Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Nghệ An. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Nghệ An. Hiển thị tất cả bài đăng

2 thg 11, 2021

Nhà thờ họ ở Nghệ An lưu giữ 11 bản sắc phong cổ quý hiếm

Là dòng họ lớn ở vùng quê có bề dày về lịch sử, văn hóa, nhà thờ họ Nguyễn Thịnh đại tôn xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) đang lưu giữ 11 sắc phong cổ quý hiếm.

Nhà thờ họ Nguyễn Thịnh đại tôn ở làng Phúc Xá nay là xóm Lam Hồng, xã Ngọc Sơn được xây dựng từ thời xa xưa, hiện có 2 công trình hạ điện và thượng điện. Ảnh: Huy Thư

23 thg 10, 2021

Bảo vật quốc gia và mong mỏi ở Tháp Nhạn

Thông tin về câu chuyện phát hiện ra hộp đựng xá lị ở Tháp Nhạn thuộc xã Hồng Long, huyện Nam Đàn đã cuốn hút chúng tôi từ lâu. Hôm nay có dịp đến mảnh đất này mới cảm nhận được ẩn sau vẻ bình dị một làng quê xứ Nghệ bên dòng sông Lam là cả kho tàng lịch sử, văn hóa đồ sộ đáng ngưỡng mộ. Song xen lẫn đó là cảm giác tiếc nuối khi những giá trị đặc sắc này vẫn ngủ quên dưới lớp bụi thời gian.

Chứng tích buổi đầu Phật giáo ở Nghệ An

Tọa lạc trong khuôn viên đền Hồng Long, một di tích lịch sử cấp quốc gia và là địa điểm rất linh thiêng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân địa phương là dấu tích của Tháp Nhạn. Cùng Chủ tịch UBND xã Hồng Long Phạm Hồng Sơn bước đi trên nền đất cổ, trực tiếp chạm tay vào viên gạch đã ố màu theo tháng năm, nghe câu chuyện mà người dân địa phương bao đời truyền nhau về công trình Phật giáo có niên đại cách đây 14 thế kỷ, chúng tôi thực sự bị mê hoặc về những điều bí ẩn quanh ngôi tháp. Bao nhiêu câu hỏi về công trình của tiền nhân còn sót lại dù chỉ là phế tích cứ mãi vương vấn.

Dấu tích móng Tháp Nhạn ở Hồng Long, Nam Đàn được xây giật cấp. Ảnh: Thành Duy

Độc đáo ngôi đình cổ thờ Vua Mai

Tồn tại qua hàng trăm năm, đình Phúc Xá ở xã Ngọc Sơn là ngôi đình cổ duy nhất ở huyện Thanh Chương và hiếm có ở Nghệ An thờ Thành hoàng làng là Mai Hắc Đế.

Theo hồ sơ di tích, đình Phúc Xá ở xóm Lam Hồng xã Ngọc Sơn được xây từ thời Nguyễn gồm có các công trình chính: cổng đình, đại đình, tắc môn. Cổng đình là 2 trụ biểu lớn (cao hơn 5 m, chân trụ có cạnh 1, 4m) đắp nổi hình "tứ linh" bằng chất liệu vôi vữa và những mảnh gốm sứ. Ảnh: Huy Thư

4 thg 10, 2021

Núi Mồng Gà - nơi phát tích nhiều chuyện lạ

Theo “Nghệ An ký”, núi Mồng Gà, tên chữ là “Kê Quan” ở xã Quy Lăng, huyện Đông Thành, là núi có tiếng ở trong huyện Yên Thành.

Yên Thành là một trong những huyện đồng bằng trù phú của tỉnh Nghệ An. Rải rác trên bề mặt đất đai, nơi đây cũng có một số núi non. Cao nhất trong đó là ngọn Vàng Tâm, cao khoảng 544 mét. Và thấp nhất là ngọn Tù Và chỉ với 249 mét. Tuy nhiên, trong sách “Nghệ An ký” của mình, về phần núi non ở huyện Yên Thành, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch chỉ nói đến ngọn Mồng Gà.

Cánh đồng lúa ở huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

13 thg 7, 2021

Ngũ Bàu, cầu Giát, sông Thai

Con sông Giát phát nguyên từ chân phía Đông - Nam dãy Mồng Gà, khối núi có cả 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu cùng tiếp giáp. Về phía Đông Bắc nơi ấy, núi và đất tạo nên một vùng trũng, gọi là Bàu Đột. Từ đó, một số ngòi nước, ngọn khe tụ lại thành con sông Giát. Sông theo hướng Đông Bắc mà đổ ra biển. Sách xưa gọi đó là nguồn Thai nên cư dân nơi cuối dòng được gọi theo tiếng địa phương, là Kẻ Thơi. Và trải qua bao đời, con người sống trên lưu vực của mạch sông này đã làm cho đất đai mình nổi tên tuổi.

Đến thời trung đại của lịch sử thì có thêm một dòng tộc đến đây cư ngụ mà ông tổ mang họ Hồ. Trần Trọng Kim viết trong sách “Việt Nam sử lược”: rằng: Hồ Quý Ly dòng dõi từ Chiết Giang bên Tàu, tổ tiên là Hồ Hưng Dật, đời Ngũ Quý (thế kỷ X) sang nước ta, ở Bàu Đột, huyện Quỳnh Lưu”.

Từ ý thức tầm nguyên đó mà vào đầu thế kỷ X, sau khi thay ngôi vua của nhà Trần, Hồ Quý Ly đã cử con trai là Hồ Hán Thương vào Bàu Đột xây đền thờ cho tông tộc mình. Cơ sở ấy nay vẫn còn dấu tích. Phía Đông Bắc của vùng núi Mồng Gà cũng là một miền dân cư sớm sầm uất. Cùng đổ về Đông, các mạch nước, ngọn khe từ Bàu Đột tụ lại, tìm lối đi ra biển. Đất đỡ chân người và cư dân ở đây khai sáng ra cách vượt những trở lực để đi tới.

Thị trấn Cầu Giát. Ảnh: Nhật Thanh

16 thg 6, 2021

Đội thuyền 'nước mắm' Cửa Hội

Từ xa xưa, hình ảnh con thuyền Nghệ An nặng mùi mắm ruốc đã nổi tiếng khắp cả nước. Đến nỗi “Thánh thơ” Cao Bá Quát đã phải viết “Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An”.

Người phát triển đội tàu nước mắm

Thời thuộc Pháp ở vùng Cửa Hội không chỉ có một vài chiếc thuyền, mà có hẳn một đội thuyền hàng chục chiếc chở nước mắm và các sản phẩm hải sản của Nghệ An tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc. Ông chủ của “hải đội” những “con thuyền Nghệ An” đó là cụ Bát Thoàn.

Tàu đánh bắt xa bờ vào neo đậu tại Cửa Hội. Ảnh: Phương Hà

11 thg 5, 2021

Phùng Chí Kiên - Sáng mãi phẩm chất, cốt cách của một người con xứ Nghệ

Phùng Chí Kiên đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, hy sinh thân mình để thực hiện sứ mệnh cao cả mà Tổ quốc và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Đối với nhiều người cái tên Phùng Chí Kiên vẫn là một điều bí ẩn. Điều này cũng dễ hiểu bởi “đồng chí hy sinh quá sớm, thời gian hoạt động, công tác chủ yếu ở hải ngoại; chân dung và những câu chuyện dọc đường cách mạng của đồng chí chưa được ghi lại đầy đủ và xác thực” (Phùng Chí Kiên - Những bí ẩn dọc đường cách mạng, tác giả nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Hoàng Quảng Uyên). Tháng 8/2012, tôi gặp ông Hoàng Quảng Uyên khi ông dự trại viết lý luận phê bình của Hội Nhà văn ở Cửa Lò. Ông cho biết, đã sưu tầm, tìm hiểu, đọc những hồi ký, ghi chép cảm động về đồng chí Phùng Chí Kiên; rất cảm phục tài năng, phẩm cách, sự hy sinh cao cả của ông, đã xây dựng chân dung vị tướng tài này trong tiểu thuyết lịch sử “Mặt trời Pác Bó”.

Đồng chí Phùng Chí Kiên. Ảnh tư liệu

Danh tướng Nguyễn Cảnh Chân - Nguyễn Cảnh Dị: Bậc khai quốc công thần và lời nguyền 600 năm

Để ghi nhớ công lao to lớn của hai danh tướng Anh hùng dân tộc Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị, hầu hết các thành phố trong cả nước đều có đường phố mang tên các ông. Đặc biệt, trên quê hương ông đều có tên đường và Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân.

Đền Ngọc Sơn thờ danh tướng Nguyễn Cảnh Chân. Ảnh tư liệu

Kỳ thú hòn đá Ông Đùng với dấu chân khổng lồ ở Nghệ An

Tồn tại trên sườn núi Đá, xóm An Phong, xã Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An), từ bao đời nay, đá Ông Đùng được biết đến như là một khối đá thiêng gắn liền với những câu chuyện huyền bí, hấp dẫn ở địa phương.

Trong dân gian, ông Đùng là một nhân vật mang nhiều đặc điểm huyền thoại (thân thể to lớn, có sức mạnh phi thường, có công dời non lấp bể...). Từ xa xưa ông Đùng được người dân xem là một trong những vị thần khởi thủy, từng để lại dấu tích ở khắp các vùng miền và được nhân dân ở khắp nơi thờ cúng. Tại huyện Thanh Chương, ngoài đá Ông Đùng ở xã Thanh An, còn có đền thờ ông Đùng… Trong ảnh: Núi có đá Ông Đùng ở xã Thanh An. Ảnh: Huy Thư

5 thg 4, 2021

Mùa sứa ngâm nước lá ổi miệt biển

Tháng Ba cũng là thời điểm người dân miệt biển bước vào mùa sứa. Loài nhuyễn thể này theo thuyền đánh cá trở về bờ, hoặc cũng có những hôm sứa theo sóng biển dạt vào bãi cát. Từ sứa biển, người dân ngâm với nước lá ổi và chế biến thành món ăn dân dã nhưng thú vị.

Người dân Quỳnh Lưu gom sứa từ những chiếc thuyền đi lộng. Ảnh: Hồ Long

Tướng quốc Nguyễn Xí và chuyện ‘mượn tên’ quân giặc

Nguyễn Xí (1396-1465), sinh ra ở xã Thượng Xá, huyện Chân Phúc xưa, nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông vốn quê gốc làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (thân phụ là ông Nguyễn Hội, thân mẫu là Võ Thị Hạnh).

Năm lên 9 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, Nguyễn Xí theo anh đến ở làm gia nô cho cụ Lê Khoáng (thân phụ của đức Lê Lợi), một hào trưởng giàu có của vùng núi xứ Thanh. Ông rất thông minh, nhanh nhẹn, tỏ rõ người tài, có hùng chí. Vì thế, Lê Lợi rất quý trọng, giao cho Nguyễn Xí chăm sóc đàn chó săn hơn một trăm con.

Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép rằng: “Vua sai Nguyễn Xí nuôi đàn chó săn gồm hơn 100 con. Sớm chiều chia cơm cho chó ăn, ông đều dùng chuông làm hiệu lệnh. Bầy chó theo sự điều khiển, huấn luyện của ông, tiến thoái răm rắp".

Bức tượng Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí tại đền thờ ông ở xã Khánh Hợp (Nghi Lộc). Ảnh: Đào Tuấn

Trong bước đường chiến chinh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đàn chó của Nguyễn Xí trở thành đội quân đặc biệt. Do được huấn luyện chu đáo, điều khiển bằng nhạc hiệu nên từ ăn, ngủ, tấn công, chúng đều theo hiệu lệnh.

Những lúc nghĩa quân bị vây hãm, hết lương thực, đàn chó đi săn thú, bắt chim về làm thức ăn. Khi xung trận, Nguyễn Xí điều khiển bầy chó lăn xả vào trận mạc làm quân giặc hoảng sợ, kinh hồn bạt vía. Tên tướng giặc Minh là Mã Kỳ, mỗi khi nghe đến đội quân khuyển của Tướng quốc Nguyễn Xí thì hết sức kinh hãi.

Trong giai đoạn cuối năm 1426 đến năm 1427 là thời kỳ Bộ tổng chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn mở các cuộc tổng tấn công quyết chiến chiến lược đại quy mô trên toàn tuyến, công thành, phá đồn, diệt viện, vì vậy, nhiều khi vũ khí không sản xuất kịp để cung cấp, bổ sung cho các cánh quân chủ lực, nhất là hàng vạn mũi tên bọc đồng.

Vì vậy, có lần Tướng quốc Nguyễn Xí đã nghĩ ra kế “mượn tên giặc”. Ngài cho buộc vào cổ đàn chó những chiếc đạc ngựa, khi chó chạy sẽ phát ra tiếng kêu như kỵ mã. Ban đêm, ông dẫn quân đến vây trại giặc Minh rồi cho đánh trống reo hò ầm ĩ, truy phong cho đàn khuyển chạy vòng quanh trại giặc.

Quân Minh nghe tiếng đạc ngựa, lại thấy tiếng trống thúc, quân reo dậy trời rất hốt hoảng tưởng bị tấn công, nhưng không rõ binh lực thế nào trong đêm tối hư hư, thực thực nên không dám ra đánh. Chúng đành dùng cung nỏ từ trong trại bắn ra như mưa. Cứ làm như vậy đến gần sáng, nghĩa quân thu nhặt được hàng vạn mũi tên.

Nghĩa quân Lam Sơn và Nhân dân hết lời ca ngợi Nguyễn Xí, xem việc lập kế lấy tên giặc không kém gì mưu của Khổng Minh dùng người rơm “mượn tên” của quân Tào trong trận Xích Bích thời Tam Quốc.

Trong 10 năm kháng chiến gian khổ, Nguyễn Xí cùng đàn chó của mình tham gia nhiều trận đánh quan trọng như cuộc vây hãm thành Đông Quan, hạ thành Xương Giang, hay như chiến dịch tiêu diệt và bắt sống gần 10 vạn quân Minh sang tăng viện tại Chi Lăng năm Đinh Mùi (1427)...

Để tôn vinh công lao Nguyễn Xí, dòng họ Nguyễn Đình và Nhân dân lập đền thờ ông vào năm 1467. Ảnh: Thành Cường

14 thg 2, 2021

Chiêm ngưỡng đại tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 42 m ở Nghệ An

Sau 1 năm rưỡi thi công, ngôi tượng Phật Thích Ca Mâu Ni chùa Phúc Lạc, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc đã khánh thành. Tượng cao 42m được đánh giá là ngôi tượng to lớn bậc nhất khu vực Bắc Trung Bộ.

Chiều tối 17/1, chùa Phúc Lạc đã tổ chức lễ khánh thành, an vị đại tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tham dự buổi lễ có đại diện UBMTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện Nghi Lộc, các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức tăng ni và hàng nghìn phật tử trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Huy Thư

Chuyện Tổng đốc Nghệ An Đào Tấn mời khách Tây xem tuồng ở Vinh

Hầu tước Pierre François Sauvaire De Barthélemy (1870 - 1940) là một nhà văn quý tộc Pháp ưa mạo hiểm, đã từng chu du khắp thế giới. Trong chuyến đi đến Đông Dương năm 1896, Barthélemy cùng với những người bạn từ Hạ Long, ghé qua Hải Phòng, Nam Định và đến Bến Thủy (Vinh – Nghệ An) bằng đường biển. Sau khi chơi Tết ở Vinh, ông tiếp tục ngược sông Cả lên Tương Dương, Kỳ Sơn và sang Lào...

Trong cuốn du ký viết về chuyến đi này, Barthélemy mô tả: “Tết là lễ hội đặc trưng của người có đạo và không có đạo. Tiếng pháo nổ, tiếng hò reo sung sướng của dân chúng đã làm chúng tôi tỉnh giấc ngay từ lúc khởi đầu của ngày mới, một ngày trọng đại. Ngược lại, vào buổi chiều, một bầu không khí yên tĩnh bao trùm lên Vinh, do phong tục nơi đây, nhà nào cũng phải làm mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên. Những thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, đàn ông và phụ nữ đều quỳ lạy trước bàn thờ của gia đình, để gửi lời thành kính của mình đến những người đã khuất. Người ta đốt giấy tiền, vàng bạc và nhang thơm, không một ai ra khỏi nhà vào ngày mồng 1 tết. Ngày mồng 2 Tết, người ta đi thăm và chúc Tết bà con”.

Ảnh chụp mâm ngũ quả của gia đình người Việt vào ngày Tết năm 1929. Ảnh tư liệu

Ngày Xuân thăm ngôi đền ở xứ Nghệ được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt

Trong lịch sử đấu tranh giữ nước, Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí là một trong những vị tướng đức độ và xuất chúng hiếm có. Ông làm quan trải qua 4 đời vua, 2 lần khai quốc, nắm giữ những chức vụ quan trọng của triều đình như: Thái bảo, Thái phó Bình chương Quân quốc, Nhập nội hữu tướng quốc, Thái úy - tước Quỳ quận công, Thái sư Cương quốc công... và ông được lịch sử trân trọng với tấm gương tuẫn liệt, tận trung tận hiếu.

Tưởng nhớ công lao của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, nhân dân và dòng họ Nguyễn Đình đã lập đền thờ mang tên ông tại mảnh đất quê hương xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Ảnh: Thành Cường

2 thg 2, 2021

Ngỡ ngàng bãi bàng cổ thụ biển Quỳnh

“Bãi bàng” là cách gọi dân dã của người dân thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) về quần thể cây bàng cổ thụ nằm sát bãi biển nơi đây. Bãi bàng hàng trăm năm tuổi này được Nhân dân bảo vệ, chăm sóc tạo thành công viên xanh mát vào mùa hè và cổ kính như vườn cổ tích vào mùa đông.

Thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long nằm bên bờ sóng, nơi hiện nay trở thành điểm du lịch biển kỳ thú của huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Hồ Nhật Thanh

20 thg 1, 2021

Đội Cung - người lãnh đạo khởi nghĩa Đô Lương

Cuộc khởi nghĩa Đô Lương diễn ra vào ngày 13/1/1941 do Đội Cung lãnh đạo cùng anh em binh lính đồn Chợ Rạng, Thanh Chương đã tiến về chiếm đồn Đô Lương, giết tên Đồn trưởng rồi cùng 25 lính tiến về trong đêm với mục đích chiếm trại Giám Vinh Thành Nghệ An sau đó phát triển ra nơi khác.

Đội Cung tên thật là Nguyễn Văn Cung. Năm 1926, Nguyễn Văn Cung bị bắt đi lính khố xanh, đóng ở đồn Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1930-1931, để đàn áp cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đang lan tràn khắp nơi, đơn vị Nguyễn Văn Cung được điều từ Thanh Hóa về đóng ở đồn Kim Nhan, huyện Anh Sơn.

Sau phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Đội Cung được điều về đóng ở Vinh để bảo vệ nội thành của thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến Nam triều. Đội Cung sống cương trực, chân thành, hay bênh vực đồng đội và những người gặp khó khăn, hoạn nạn nên rất được anh em kính nể.

Làm thân phận một người lính bắt buộc, ăn cơm, mặc quần áo do thực dân Pháp cung cấp, hàng ngày phải đi đàn áp phong trào cách mạng ở các địa phương, Nguyễn Văn Cung đau lòng, phẫn uất trước cảnh những người dân bị chết vô tội chỉ vì họ đứng lên chống lại chế độ hà khắc của thực dân phong kiến, để bảo vệ quyền sống chính đáng của con người. Thế mà họ bị khép vào tội phản loạn. Chính sách "binh vận" của Đảng ta từ cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã lôi kéo binh sĩ tham gia phản chiến, bỏ trốn và cao hơn nữa là về với nhân dân, đứng vào hàng ngũ cách mạng. Ông Măng Dan, lính lê dương đã trở thành người nội ứng cho Đảng Cộng sản trong nhà tù Vinh, là một tấm gương để cho Nguyễn Văn Cung suy nghĩ.

16 thg 1, 2021

Thơm 'điếc mũi' thịt chuột rừng nơi Cổng trời Mường Lống

Với độ cao 1.500m, Mường Lống mùa này như chìm trong sương mây. Trong tiết trời rất lạnh, nhiệt độ có lúc xuống chỉ còn 5-6 độ C, bếp lửa vẫn là nơi giữ ấm cho ngôi nhà của người Mông. Bên ánh lửa hồng bập bùng, không gì thú vị và hấp dẫn hơn nếu được nhâm nhi chén rượu ngô cùng món thịt chuột rừng nướng thơm nức. Thịt chuột rừng hiện nay đã trở thành đặc sản của người dân sinh sống nơi Cổng trời Mường Lống. 

Mường Lống mùa này chìm trong sương mây. Ảnh: Sách Nguyễn 

25 thg 10, 2020

Nét truyền thống đặc sắc trong sinh hoạt gia đình người Thái ở Nghệ An

“Mẹ ngồi đầu sàn kéo sợi, xe tơ/Bố ngồi bên cửa sổ, đan chài”- đó là hình ảnh đặc trưng về sinh hoạt trong gia đình người Thái, đã được nhắc đến nhiều trong văn học dân gian. Chả thế mà một trong những câu hát đầu tiên các cô gái khi hát đối giao duyên với các chàng trai, thường là: “Khi anh dậy anh đi, mẹ ta có ngồi đầu sàn kéo sợi?/ Bố ta có ngồi bên cửa sổ đan chài?”. 

Phụ nữ Thái nổi tiếng với công việc dệt thổ cẩm, thêu thùa. Ảnh: Đình Tuân 

24 thg 10, 2020

Kinh tế và văn hóa xứ Nghệ thời Hậu Lê

Xứ Nghệ thời Hậu Lê gắn liền với 400 năm lịch sử phức tạp và khắc nghiệt của đất nước. Khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng hình như đây là thời kỳ các thế hệ người Nghệ đã định hình phẩm chất của cộng đồng, tích cực tự hoàn thiện mình để trưởng thành, và có nhiều đóng góp quan trọng vào tiến trình lịch sử, văn hóa của dân tộc. 

Nhiều phen binh lửa

Hậu Lê kéo dài từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII, xen giữa là mấy chục năm của nhà Mạc. Thời kỳ này, xứ Nghệ tiếp tục quá trình tụ cư, không chỉ của người Việt/Kinh từ vùng Bắc Bộ, Thanh Hóa vào mà còn là các tộc người Thái, Mông… từ phương Bắc xuống; là quá trình hình thành tộc người Thổ. Đồng thời là quá trình tiếp tục thiên di vào phương Nam cùng với việc mở mang bờ cõi, nhất thời chúa Nguyễn. 

18 thg 10, 2020

Hoàng đế Quang Trung với vùng đất xứ Nghệ

Với vị thế trọng yếu trên bản đồ địa chính trị quân sự Đại Việt hồi thế kỷ XVIII, xứ Nghệ trở thành địa bàn quan trọng trong công cuộc xóa bỏ tình trạng chia cắt, tiến tới thống nhất đất nước của Hoàng đế Quang Trung và nhà Tây Sơn. 

Khởi nghĩa Tây Sơn

Khi các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài tạm thời lắng xuống thì phong trào đấu tranh bạo động chống lại Chúa Nguyễn ở Đàng Trong bùng lên, mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. 

Tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, theo Chúa Nguyễn vào Nam khi vượt Lũy Thầy đánh ra đất Lê - Trịnh tới Nghệ An (1655) từ đời ông cố là Hồ Phi Long. Ông nội của anh em Nguyễn Nhạc là Hồ Phi Tiễn. Từ đời cha đổi sang họ Nguyễn theo họ của mẹ là Nguyễn Phi Phúc. Cũng có ý kiến cải sang họ Nguyễn là theo họ Chúa. 

Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc lấy danh nghĩa chống lại Quốc phó Trương Phúc Loan, dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn (Bình Định). Được sự hưởng ứng của nhân dân quanh vùng nên cuộc khởi nghĩa ngày càng mạnh, trưởng thành nhanh chóng.