Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng

2 thg 6, 2021

Tạc tượng gỗ ở làng Kon Du

Người Mơ Nâm (Xơ Đăng) ở làng Kon Du, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) tạc tượng gỗ dân gian không chỉ gắn liền với các lễ hội mà còn là cách để những người đang sống tưởng nhớ lại những kỷ niệm, hình ảnh gắn liền người đã mất trong làng. Những pho tượng gỗ như sợi dây kết nối, gửi gắm tình cảm của thế hệ con cháu với tổ tiên, giúp họ gìn giữ lối sống sinh hoạt, lao động, sản xuất truyền thống của dân tộc. Hiện nay, ở làng Kon Du, không chỉ đàn ông mà một số phụ nữ cũng biết tạc tượng gỗ.

Tháng 4 đang là cao điểm của mùa khô Tây Nguyên, nhưng bên trong ngôi nhà sàn của nghệ nhân ưu tú tạc tượng gỗ dân gian A Gông (ở làng Kon Du, xã Măng Cành) thỉnh thoảng vẫn có những cơn gió thổi mát rượi lùa vào. “Thời tiết mùa này ở đây là vậy, dù trời có nắng nóng nhưng vẫn không thể thiếu không khí mát mẻ đặc trưng của vùng Đông Trường Sơn”, nghệ nhân A Gông vừa rót nước mời chúng tôi vừa nói.

Trầu cau trong đời sống của người Ca Dong

Xã Đăk Nên được mệnh danh là xứ sở của cây cau tại huyện Kon Plông. Ở đây, cây cau phát triển tươi tốt, trải từ vườn nhà ra đồi núi và nhìn đâu cũng thấy cau. Việc ăn trầu cau trở thành tập quán và là một nét đẹp trong văn hóa của người Ca Dong.

Không biết tự bao giờ, cây cau dường như đã hòa quyện với đời sống của bà con Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), hiện hữu trong từng câu chuyện, lời ca, tiếng hát và trong từng vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Có lẽ chính sự gần gũi, hòa hợp tự nhiên đó, mà tục ăn trầu cau của bà con người Ca Dong nơi đây đã trở thành một nét văn hóa rất độc đáo.

Đến với thôn Sô Thák (xã Đăk Nên) để tìm hiểu về tập tục này, tôi được già làng A Brui niềm nở đón tiếp. Cũng như người dân ở các địa phương có tục ăn trầu cau, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Sau khi chuẩn bị xong đĩa trầu cau mời khách, già A Brui cất giọng trầm đục, dần đưa tôi vào câu chuyện: Từ bao đời nay, người Ca Dong luôn xem cây cau như linh hồn của vùng đất này. Gắn bó với cây cau, chúng tôi nhận thấy loài cây này có rất nhiều công dụng. Tán cây cau che bóng mát, phần thân được dùng làm nhà, rễ cây có thể sử dụng làm củi đốt. Quả cau dùng để ăn với lá trầu, vôi. Tập tục này được truyền từ bao đời nay.

Về thăm làng du lịch Bar Gốc

Từ năm 2019 đến nay, UBND huyện Sa Thầy phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Đề án “Làng truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh”, trong đó chọn làng Bar Gốc, xã Sa Sơn làm thí điểm.

Sự tích làng Bar Gốc

Chúng tôi đến thăm làng Bar Gốc khi ráng chiều bắt đầu ngả sang màu vàng sẫm. Đây là ngôi làng của người dân tộc Gia Rai (nhánh Aráp) nằm dưới chân núi Chư Nang Brai của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray với tiềm năng về đa dạng sinh học, nhiều thác nước, hang động, đỉnh núi, khu bãi thú, đồng cỏ và những khu rừng hoang sơ đẹp như những bức tranh thủy mặc. Đặc biệt, địa hình của làng bằng phẳng, đường giao thông thuận lợi, người dân có ý thức trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tâm sự với chúng tôi, ông A Đih (80 tuổi, làng Bar Gốc) kể: Từ ngàn xưa, người Gia Rai đã sinh sống quanh các dãy núi này rồi. Nhưng một hôm, trời mây vần vũ, dân làng kéo nhau đi tìm nơi có hang đá, cây cối cổ thụ để tránh bão tố cuồng phong. Khi đi đến chỗ ở bây giờ, người dân gặp rất nhiều gốc cây cổ thụ thân to mấy người ôm không xuể, xung quanh có nhiều thân cây leo rậm rạp, nên dân làng vào các gốc cây đó trú mưa. Sau cơn mưa, dân làng thấy nơi đây khá bằng phẳng, cây cối tốt tươi, nên thống nhất dừng chân để lập làng. Với ngôn ngữ của người Gia Rai, Bar có nghĩa là sợi dây, Gốc có nghĩa là gốc cây rừng, nên Bar Gốc là sợi dây cuốn quanh gốc cây rừng để con người có thể vào đó trú ngụ. Và từ đó, người dân đặt tên cho làng là Bar Gốc.

Bà Y Vỹ dệt vải cốt để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Gia Rai. Ảnh: TVP

11 thg 5, 2021

Rượu cần men lá của người Brâu

Không như một số DTTS làm men chỉ đơn giản từ một vài loại lá rừng, men rượu cần của người Brâu là sự kết hợp hài hòa trên mười loại cây với các bộ phận thân, lá, rễ, củ khác nhau; cho ra thứ nước cốt thơm cay, nồng đượm.

Vì đặc trưng men lá, nên rượu cần của người Brâu nồng đượm, thơm ngon, mang hương vị rất riêng. Nhờ tổng hợp nhiều loại cây lá, mỗi loại có đặc tính, công dụng khác nhau nên rượu cần men lá của người Brâu có tác dụng tiêu hóa tốt, trợ lực, bồi bổ sức khỏe.

Các loại cây lá rừng để làm men rượu cần. Ảnh: N.H

18 thg 2, 2021

Ðộc đáo Tết Khỉ của người Ca Dong

Vào những ngày cuối năm, khi ruộng rẫy đã thu hoạch xong, kho lúa đã đầy, người Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plông lại tất bật chuẩn bị đón lễ hội lớn nhất trong năm– Tết Khỉ. Cũng giống như Tết Nguyên đán, Tết Khỉ đối với người Ca Dong đánh dấu một năm cũ qua đi, năm mới đã đến cùng những ước nguyện tốt lành.

Với mong muốn tìm hiểu về Tết Khỉ, tôi vượt hơn trăm cây số để đến với người Ca Dong ở làng Măng Lây, thôn Vắc Y Nhông, xã Đăk Ring - nơi bà con còn lưu giữ và kế thừa truyền thống tốt đẹp phong tục này qua bao đời nay.

Năm nay, vào ngày 3/12 (âm lịch), làng Măng Lây tổ chức Tết Khỉ. Trong tiết trời giá buốt, sương mù bao phủ núi rừng, dân làng Măng Lây quây quần bên bếp lửa hồng tí tách. Với giọng trầm đục, già A Tóc đưa tôi vào câu chuyện của người Ca Dong. Rằng, chẳng biết từ bao giờ, người Ca Dong ở đây đã coi loài khỉ như linh vật. Người xưa quan niệm, ở mỗi dãy núi, cánh rừng luôn có một Ông Khỉ xua đi tai ương, vận rủi, gìn giữ từng cây lúa, hạt thóc để giúp mùa màng bà con bội thu, lương thực đủ đầy. Cũng vì thế mà vào mỗi thời điểm vụ mùa kết thúc, người Ca Dong luôn tổ chức một lễ cúng để tỏ lòng biết ơn, đồng thời gửi gắm kho thóc của mình để Ông Khỉ trông coi đến khi vụ mùa mới bắt đầu. Theo dòng thời gian, lễ cúng này đã trở thành Tết Khỉ trong đời sống của người Ca Dong.

Dựng cây nêu đón Tết Khỉ. Ảnh: T.T

Đàn T’rưng của người Gia Rai

Với người Gia Rai ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), đàn T’rưng là nhạc cụ quen thuộc gắn bó mật thiết trong đời sống sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân làng. Mọi người không chỉ sử dụng đàn T’rưng trong các dịp lễ hội mà còn sử dụng ở nương rẫy để bảo vệ mùa màng trước muông thú và để giao lưu trong cộng đồng, phục vụ các sinh hoạt văn hóa, sau một ngày lao động vất vả.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống chế tác các nhạc cụ truyền thống của dân tộc ở làng Chốt, Nghệ nhân ưu tú A Huynh (39 tuổi) hiểu rõ đàn T’rưng có vai trò và ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với người dân trong làng. A Huynh nhớ lại, khi còn nhỏ, lúc cùng cha mẹ lên rẫy, anh đã nhìn thấy đàn T’rưng ở trong chòi rẫy của hầu hết các gia đình trong làng.

Cùng ăn Tết truyền thống của người Xơ Đăng

Khi những hạt lúa vàng ươm đã được chất đầy trong mỗi góc nhà sàn, ánh nắng cũng dần dịu trong cái se lạnh đầu đông cũng là thời điểm đồng bào Xơ Đăng ở xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô ăn Tết lúa mới truyền thống.

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến làng Đăk Rô Gia vào một sáng mùa đông se lạnh. Cả ngôi làng vẫn còn chìm trong sương sớm bên dòng Đăk Tờ Kan thơ mộng. Ngay từ tinh mơ, đàn ông, con trai đã dậy thật sớm mặc trên mình những bộ áo quần mới nhất để đón Tết lúa mới truyền thống của cha ông. Những người phụ nữ, con gái dậy từ tờ mờ sáng chuẩn bị nấu nướng, chuẩn bị những mâm cơm thịnh soạn nhất để đón Tết.

Tết lúa mới là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào Xơ Đăng ở huyện Đăk Tô, thường được tổ chức 2 ngày, 2 đêm. Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi thức linh thiêng để cúng thần linh và các hoạt động múa hát làm cho không khí của ngày Tết mang nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh và gắn kết cộng đồng làng.

Vào dịp cuối năm, sau khi thu hoạch xong mùa vụ, người Xơ Đăng tại xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) lại tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Cũng gần giống như Tết Nguyên đán, đây là Tết truyền thống quan trọng nhất của đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Đăk Trăm nói riêng, cả huyện Đăk Tô nói chung. Tùy theo phong tục của từng làng mà lễ hội được tổ chức theo quy mô và hình thức khác nhau.

Đội cồng chiêng làng Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm) biểu diễn trong lễ hội mừng lúa mới. Ảnh: N.P

11 thg 10, 2020

Độc đáo nhà sàn Ba Na

Người Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời, có dân số đông thứ hai trong số các dân tộc thiểu số tại chỗ (sau người Xê Đăng) ở tỉnh, địa bàn cư trú tập trung ở quanh thành phố Kon Tum và một phần ở các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Sa Thầy... Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Ba Na ở Kon Tum có những phong tục tập quán, văn hóa phong phú và giàu bản sắc, trong đó nhà sàn là một di sản văn hóa độc đáo. 

Thoạt nhìn bề ngoài, nhà sàn của người Ba Na cũng giống như nhà sàn của những DTTS tại chỗ khác, nhưng tìm hiểu kỹ thì mới biết nhà sàn của người Ba Na lại có những nét độc đáo riêng. 

Để tìm hiểu kỹ hơn về nhà sàn của người Ba Na, chúng tôi tìm gặp anh A Nhưk - một thợ chuyên làm nhà sàn ở làng Kon Xăm Lũ (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy). 

Nhà sàn truyền thống ở làng Kleng

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống cùng sự phát triển của xã hội, nhiều hộ dân người Gia Rai ở làng Kleng (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) vẫn gìn giữ được bản sắc riêng, sống và sinh hoạt trong những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc mình. Xen kẽ với những ngôi nhà được xây dựng kiên cố bằng gạch và xi măng là những ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ theo lối kiến trúc truyền thống của người Gia Rai góp phần tô đẹp thêm cho ngôi làng. 

Ngồi bên bếp lửa ở góc nhà sàn, bà Y Chép (56 tuổi) vừa địu đứa cháu ngoại đang ngủ trên lưng vừa chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình. Bà cặm cụi lấy tay vun củi cho ngọn lửa cháy đều. Bên hơi ấm từ bếp lửa, đứa cháu ngoại của bà cũng ngủ ngoan hơn. 

Ngôi nhà sàn này đã gắn bó với bà Y Chép cùng các thành viên trong gia đình hơn 26 năm nay. Ngôi nhà nằm giữa khu vườn rộng với nhiều cây xanh xung quanh, được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Gia Rai gồm 3 phần: nhà chồ (phần hiên phía trước) dài 4m, rộng 3m; nhà ngang (7 gian) dài 14m, rộng hơn 4m và nhà nhỏ phía sau dài 4m, rộng 4m. 

Ngôi nhà có phần sàn cao hơn mặt đất khoảng 1,5m. Phần khung chính của ngôi nhà được làm từ gỗ cà chít; phần khung cửa được làm bằng gỗ bò ma và những tấm ván sàn được làm từ gỗ pờ lũ. Đây đều là những loại gỗ quý, có ưu điểm nhẹ và chống mối mọt rất tốt, thường được người Gia Rai sử dụng để dựng nhà ở, làm kho lúa và nhà rông cho làng. 

12 thg 8, 2020

Hiền hòa Kon Drei

Nằm bên cạnh dòng sông Đăk Bla hiền hòa, làng Kon Drei (xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) đẹp như bức tranh, mộc mạc và thanh bình. Ngôi làng nổi bật bởi mái nhà rông cao vút; những ngôi nhà sàn, nhà xây xen lẫn với cây cổ thụ xanh mướt. Đặc biệt, từ bao đời nay, người dân làng Kon Drei vẫn giữ nét đẹp trong sinh hoạt và sản xuất gắn liền với dòng sông Đăk Bla.
Nằm cách trung tâm xã Đăk Blà vài kilômét về phía Nam, làng Kon Drei hiện tại là nơi cư trú của 214 hộ đồng bào dân tộc Ba Na. Làng Kon Drei được biết đến là một trong số ít làng DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện nay có nghệ nhân “biết dạy cho chiêng hát và chữa bệnh cho chiêng” - đó là nghệ nhân chỉnh cồng chiêng A Khiu (84 tuổi).

Thông thường việc truyền dạy đánh chiêng đã khó, nhưng việc truyền dạy chỉnh chiêng còn khó gấp bội lần vì người dạy và người học phải có kỹ năng thẩm âm rất cao cùng với sự đam mê. Do vậy, hàng chục năm qua, nghệ nhân A Khiu vẫn miệt mài, cố gắng truyền dạy đánh chiêng và chỉnh chiêng cho lớp trẻ trong làng. Vì vậy, hiện nay, làng duy trì một đội cồng chiêng thường xuyên tham gia biểu diễn tại các lễ hội, các sự kiện văn hóa nghệ thuật của thành phố, của tỉnh.

Nghệ nhân A Khiu truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng. Ảnh: ĐT 

23 thg 7, 2020

Ấn tượng ngôi nhà hơn 100 tuổi ở Phương Hòa

Ẩn mình trong khu vườn rộng gần 15.000 m2 dưới tán nhiều cây cổ thụ tại đường Mai Xuân Thưởng (phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum), ngôi nhà sàn bằng gỗ của gia đình cụ Nguyễn Thượng (1866 – 1962) mang vẻ đẹp cuốn hút đến khó tả đối với những người lần đầu đặt chân tới đây. Ngôi nhà đến nay đã hơn 100 năm tuổi và là công trình kiến trúc độc đáo, có sự kết hợp giữa kiến trúc nhà ở của người Pháp, người Bình Định và người Ba Na.

“Nếu yêu thích sự hoài cổ, thích hòa mình trong không gian xanh tĩnh lặng và đặc biệt muốn tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của làng Phương Hòa thì ngôi nhà cổ của gia đình cụ Nguyễn Thượng là một địa điểm lý tưởng”, anh bạn công tác bên Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã giới thiệu với tôi như vậy trong một lần trò chuyện về lịch sử của những ngôi làng bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa.

Từ lời giới thiệu đó, tôi tìm về thôn Phương Hòa để được ngắm ngôi nhà cổ ấy. Được biết, ở thôn Phương Hòa, đây là ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm duy nhất được bảo tồn và gìn giữ cho đến thời điểm hiện tại. Gặp anh Vũ Hữu Đức - người đang trông coi ngôi nhà và cũng là cháu ngoại của cụ Nguyễn Thượng ngay đầu cổng nhà, anh liền dẫn tôi đi tham quan ngôi nhà và khu vườn. Rảo bước cùng anh Đức trên lối đi rợp bóng tre xanh dẫn vào ngôi nhà, tôi cảm nhận được sự khác biệt của nơi đây so với phần còn lại của thành phố, không gian yên tĩnh đến lạ thường.


Ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thượng ở làng Phương Hòa (thành phố Kon Tum) đến nay đã hơn 100 năm tuổi. Ảnh: ĐT 

Dấu ấn Kon Bưu

Làng Kon Bưu (thôn 4, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) nằm dọc Quốc lộ 24, bên dòng suối Đăk Biêu rì rầm chảy. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, làng Kon Bưu hiền hòa vẫn mang sức hút kỳ lạ đối với tôi.

Chuyện kể ở Kon Bưu 


Làng Kon Bưu hôm nay thật đông vui, bởi người và phương tiện giao thông qua lại nườm nượp. Ngồi trong căn nhà sàn bằng gỗ của già làng A Nhất, chúng tôi vô cùng thích thú khi được nghe ông kể về quá trình di dời làng từ rừng sâu, núi thẳm về bên dòng Đăk Biêu.

Xoay xoay ly trà đặc trong tay, già làng A Nhất cho biết, tên gọi chính thức của làng là Kon Biêu, do lấy tên từ con suối Đăk Biêu chảy qua làng với ý nghĩa là dòng nước mát quanh năm như mong muốn của dân làng là luôn thuận hòa, êm ấm. Nhưng trong quá trình giao tiếp, người dân từ đời này qua đời khác nói trại ra thành Kon Bưu. Mặc dù tên cũ của làng không còn nằm trong văn bản hành chính, nhưng nó còn đọng lại mãi trong lòng người dân, tựa hồ như dòng nước Đăk Biêu vẫn đem lại nguồn nước mát cho dân làng.

Nét đẹp gùi nam

Bao đời nay hình ảnh chiếc gùi luôn gắn liền với những người phụ nữ DTTS Bắc Tây Nguyên, nên ít người biết rằng, vật dụng gần gũi, quen thuộc này, vẫn còn một vẻ đẹp khác, mang hình dáng, đặc tính riêng dành cho người đàn ông. 

Ngày còn khỏe, thỉnh thoảng gặp chúng tôi, ông Phạm Liễm - cán bộ lão thành cách mạng ở thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) thường kể lại những kỷ niệm không thể nào quên ở vùng căn cứ cách mạng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ gian khổ. Trong số những kỷ vật được ông nâng niu giữ kỹ có chiếc gùi do đồng bào Xơ Đăng vùng Đông Trường Sơn (huyện Kon Plông) đan tặng. Đó là chiếc gùi dành riêng cho nam giới, từng ở trên lưng, theo ông đi khắp nẻo vùng sâu từ trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Được đan chủ yếu bằng dây mây, nó thể hiện ngay trong hình hài của mình sự tinh tế, khéo léo của nghệ nhân và chứa đựng sức sống thật đáng kinh ngạc. “Đi rừng đi núi, len lỏi cây cối, phải có cái này mới được...” - Ông Liễm nói .

Tu Mơ Rông - Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa

Dân tộc Xơ Đăng là một tộc người sinh sống lâu đời trên mảnh đất Kon Tum, trong đó tập trung nhiều trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, người dân nơi đây đã sáng tạo và hình thành nên nét văn hóa cho riêng mình được thể hiện rõ thông qua ngôn ngữ giao tiếp, quan niệm về tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực, nghệ thuật tạo hình, văn hóa nghệ thuật dân gian… Những nét đẹp văn hóa ấy giờ đây đồng bào dân tộc Xơ Đăng vẫn luôn chú trọng bảo tồn và phát huy.

Gìn giữ bản sắc


Nằm ngay dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ, mảnh đất Tu Mơ Rông là nơi quần tụ của hơn 30.000 người, trong đó, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng, chiếm trên 95%. Người Xơ Đăng đã sống trên mảnh đất này từ bao đời nay và có nhiều nét văn hóa đặc sắc, đa dạng và phong phú mang nét riêng…Văn hóa của người Xơ Đăng nổi bật là nghệ thuật tạo hình dân gian với lối kiến trúc nhà rông tiêu biểu và các loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, tơ rưng, ting ning, klông Put…các làn điệu dân ca, dân vũ. Hiện nay, người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông gìn giữ được hệ thống lễ hội diễn ra quanh năm, từ nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp cho đến những lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Ngoài ra, còn có cả một kho tàng về tri thức văn học nghệ thuật dân gian như hát kể sử thi, điệu múa xoang, nhịp cồng chiêng uyển chuyển mê hoặc lòng người…được đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông gìn giữ.

19 thg 5, 2020

Ghi ở Kon Brăp Ju

Làng Kon Brăp Ju (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) nằm yên bình bên dòng Đăk Pne, thu hút du khách bởi những nét đẹp cổ xưa còn được lưu giữ khá nguyên vẹn.

Tên làng trong ký ức


Như đã hẹn, cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Truyền thông huyện Kon Rẫy đưa tôi đến với làng Kon Brăp Ju trong một sáng tháng Ba. Trên chặng đường từ thị trấn Đăk Rve về đến làng Kon Brăp Ju, tôi nghe người dân kể rất nhiều về tên làng này có không ít những chi tiết huyền sử pha lẫn với sự tự hào của tổ tiên người Ba Na (nhánh Jơ Lâng) nơi vùng đất Kon Braih.

Ngồi trong ngôi nhà sàn cũ kỹ của mình với rất nhiều nhạc cụ, nhạc khí treo khắp các tường nhà, già làng A Jring Đeng (68 tuổi) kể cho tôi nghe về sự tích của làng Kon Brăp Ju mà già rất yêu quý và tự hào.

Độc đáo thổ cẩm truyền thống của người Thái Đen

Với những phụ nữ người Thái Đen (một nhánh của dân tộc Thái) ở xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, những vật dụng được làm từ thổ cẩm như: Chăn, màn, gối, nệm hay bộ trang phục truyền thống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là những đồ thổ cẩm truyền thống do chính tay họ làm nên và là quà cưới mà phụ nữ người Thái Đen phải chuẩn bị trước khi đi lấy chồng. 

Đã hơn 20 năm kể từ ngày bà Lương Thị Xuân (52 tuổi) cùng gia đình di cư vào lập nghiệp tại thôn 1, xã Ya Xiêr nhưng bà vẫn nhớ như in quãng thời gian sinh sống cùng cha mẹ ở quê hương mình- huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Bà Xuân kể, ở quê bà những thiếu nữ Thái Đen khi đến tuổi trưởng thành đều được mẹ truyền dạy cho kỹ năng dệt, thêu và làm các đồ thổ cẩm truyền thống của người Thái Đen. Và, những phụ nữ khéo tay, chăm chỉ, thành thạo việc dệt vải, thêu thùa sẽ được làng xóm ngợi khen, được nhiều nam thanh niên trong bản để mắt tới.

9 thg 3, 2020

Thơm ngon rượu ghè nếp than Y Gar

Từng uống rượu ghè nếp than ở nhiều nơi, nhưng chưa ở đâu tôi thấy rượu ghè nếp than có nét đặc trưng riêng như rượu ghè nếp than của bà Y Gar, thôn Kon Sờ Lạc 2, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy. Nét đặc trưng của rượu này là: Thơm ngọt, lại đăng đắng... rất khó quên!
Ông nói chí phải!
Mặc dù trên địa bàn xã Đăk Ruồng có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sản xuất rượu ghè, nhưng khi nói đến rượu ghè, người ta thường nhắc đến thương hiệu rượu ghè của bà Y Gar ở thôn 12 (Kon Sờ Lạc 2). Có lẽ vì vậy, khi thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, UBND xã Đăk Ruồng nghĩ ngay đến rượu ghè bà Y Gar.

Qua sự giới thiệu của UBND xã, tôi cùng anh Nguyễn Văn Bình (Văn phòng Đảng ủy Đăk Ruồng) đến nhà bà Y Gar trong buổi chiều muộn. Khi đến nhà, gặp lúc bà đi làm rẫy chưa về. Tranh thủ thời gian chờ đợi, tôi được ông A Phương (chồng bà) tiếp chuyện. Ông kể rằng, để giúp vợ làm rượu ghè, ông thường lên rẫy chặt cây h’nham đem về lột lấy vỏ giã với ớt và trộn với bột gạo, nặn từng cái bánh, ủ cho lên men rồi đem bánh men phơi khô. Khi làm rượu ghè, đem bánh men bóp nhỏ hoặc giã thành bột trộn với cơm nếp than, cơm gào hay gạo tẻ... để mươi ngày là thành rượu nếp than, rượu gào hay rượu gạo tẻ.

6 thg 3, 2020

Sa Thầy, mảnh đất giàu nét đẹp văn hóa truyền thống

Không chỉ nổi tiếng với Di chỉ khảo cổ Lung Leng ghi dấu người tiền sử ở Tây Nguyên, huyện Sa Thầy còn được biết đến là một trong những chiếc nôi văn hóa dân gian của tỉnh. Hơn 40 năm sau ngày được thành lập, bản sắc dân tộc, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS sinh sống lâu đời trên địa bàn vẫn được quan tâm gìn giữ và phát huy.

Điều đó không chỉ thể hiện qua lối kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nét đẹp cồng chiêng - xoang, các điệu dân ca, dân vũ; mà còn được khẳng định nhờ các nghề truyền thống, từ dân dã, phổ biến như đan lát mây tre, dệt thổ cẩm đến riêng biệt và đặc sắc với tạc tượng gỗ, đẽo thuyền độc mộc.

Là làng tái định cư lòng hồ thủy điện Plei Krông, Đăk Wơk đã trở thành điểm sáng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhờ gây dựng được nhiều thế hệ tiếp nối nặng lòng với tình yêu văn hóa dân gian. Đây cũng là làng DTTS duy nhất của tỉnh vinh dự tham gia nhiều sự kiện văn hóa dân tộc ở nước ngoài. Trong đó, có Lễ hội Smith Sonian tại Washington D.C, Hoa Kỳ vào năm 2007, Liên hoan Ganat lần thứ 14 tại Pháp năm 2014. Nghệ nhân trẻ A Đan ở làng Đăk Wơk cho hay: Em từng có vinh dự được cùng các nghệ nhân lão luyện đi biểu diễn ở Hàn Quốc, Mỹ, Pháp… Ai cũng sung sướng, tự hào, vì cái hay cái đẹp cồng chiêng, sử thi, đan lát, đẽo thuyền độc mộc… của đồng bào Ba Na nhánh Rơ Ngao được giới thiệu ra nước ngoài.

4 thg 3, 2020

Nhà rông của dân tộc Brâu ở Pờ Y

Cũng như cộng đồng các DTTS tại chỗ ở Kon Tum, nhà rông chiếm một vị trí khá quan trọng trong đời sống văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Brâu. Từ khi chọn vùng đất Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) định cư đến nay, người Brâu đã 3 lần xây dựng nhà rông truyền thống. Với người Brâu, nhà rông gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, là nơi sinh hoạt cộng đồng, là biểu tượng cho sức mạnh, sự che chở của thần linh đối với dân làng.

Là người gắn bó với nhiều thăng trầm của cuộc sống và sự phát triển của ngôi làng, bà Y Pan (90 tuổi) già làng Đăk Mế nhớ rõ về lịch sử nhà rông văn hóa của dân tộc bà, từ khi dân làng còn sinh sống trong rừng sâu. Bà Y Pan kể, lúc bấy giờ ngôi làng chỉ có hơn 60 hộ dân. Nhà rông nằm ở vị trí chính giữa làng. Nhà của các hộ dân nằm ở vị trí xung quanh theo hình tròn, cửa chính đều hướng về nhà rông, thể hiện sự đoàn kết và hội tụ sức mạnh cho ngôi làng.

Nhà rông hay nhà ở của các hộ dân đều có sàn nhà cao hơn mặt đất 1 tong pa do (đơn vị đo chiều cao của người Brâu, 1 tong pa do bằng chiều cao của 1 người đàn ông trưởng thành đứng dơ tay). Nhà rông hình vuông nên có 4 phần mái hình tam giác chụm vào nhau hướng lên trên. Nhà ở của các hộ dân hình chữ nhật nên phần mái hình chữ A, có 2 mái chính và phụ (mái chính nằm bên dưới, mái phụ nằm bên trên và có kích thước nhỏ hơn mái chính).

2 thg 3, 2020

Gùi của người Gia Rai

Cũng như các dân tộc tại chỗ khác ở Tây Nguyên, chiếc gùi rất gần gũi trong đời sống sinh hoạt và trở thành một nét văn hóa truyền thống của người Gia Rai. Với người Gia Rai, chiếc gùi được tạo nên từ bàn tay khéo léo của những người đàn ông lớn tuổi trong làng. Ngày nay, người Gia Rai đan gùi vừa để góp phần gìn giữ nghề truyền thống, vừa để bán nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Hàng ngày, ngoài công việc giữ cháu, ông A Dót (62 tuổi) ở làng Điệp Lốc, xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) tranh thủ những lúc nhàn rỗi để đan gùi. Đây là việc làm yêu thích của ông A Dót từ khi còn nhỏ. Khi A Dót biết đi rừng, ông đã được cha của mình - ông A Lết dẫn vào rừng tìm kiếm các vật liệu và truyền dạy cho ông cách đan gùi. Dần dần những đam mê với việc vót từng cọng nan và tỉ mẩn đan lát lên những chiếc gùi làm vật dụng trong gia đình thấm vào máu thịt A Dót lúc nào không biết. Ở tuổi ngoài 60, A Dót không thể nhớ hết có bao nhiêu chiếc gùi được bàn tay khéo léo của mình làm nên.

Đến nay, ông A Dót đan gùi được hơn 40 năm. Ông chỉ còn 1 chân phải (do tai nạn lao động hồi trẻ), việc đi lại khó khăn nên vật liệu để đan gùi đều do các con của ông đi rừng kiếm được.


Đến nay, ông A Dót đan gùi được hơn 40 năm. Ảnh: ĐT