Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ảnh VN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ảnh VN. Hiển thị tất cả bài đăng

16 thg 7, 2022

Lễ cầu an của người Tày

Lễ cầu an, cầu phúc là một sinh hoạt dân gian gắn bó mật thiết với cộng đồng người Tày. Được tổ chức vào cuối tháng Giêng đầu tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ cầu an là dịp để mọi người tụ họp thể hiện niềm thành kính với thần linh và cùng cầu mong, ước vọng về một cuộc sống an bình, ấm no, hạnh phúc.

Trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Tày đây là buổi lễ quan trọng bậc nhất. Trước đây, người ta dành trọn một đêm để thực hiện các nghi lễ. Ngày nay, họ có thể làm lễ vào ban ngày tùy điều kiện của gia chủ. Với người Tày, lễ Cầu an là một nghi lễ quan trọng đầu năm, người Tày quan niệm, khi làm lễ này rồi sẽ được các đấng siêu nhiên, được những Pụt Luông (Phật lớn) và Đẳm (tổ tiên) phù trợ, hổ vồ không trúng, rắn cắn không vào, xuống nước tự nổi, làm gì được nấy…Tầm quan trọng của lễ được thể hiện ngay từ khâu chuẩn bị. Thông thường, các thành viên trong gia đình làm lễ chỉ mất một buổi để nấu nướng, sắp xếp các lễ vật. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho các lễ vật này kéo dài hàng tháng, có khi đến cả năm bởi người Tày luôn chọn, chuẩn bị, dành những sản vật thơm ngon nhất cho lễ cầu an. Lễ vật gồm có 3 loại: Lễ tam sinh tốt nhất do gia chủ tự nuôi là gà, cá, lợn quay, vịt; lễ chay là bánh dày bánh rợm, bánh chè lam…được làm từ những bông lúa nhà trồng; và thanh bông là hoa, quả. Để làm tốt việc chuẩn bị, thông thường sẽ có một thầy phụ lễ đến hướng dẫn giúp gia chủ.

Hình nộm người Tày dùng trong lễ cầu an.

Tết nhảy của người Dao Tiền

Tết cầu mùa (Tết nhảy) của người Dao tiền ở Mộc Châu, Sơn La được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán và thường kéo dài từ 2-3 ngày. Người Dao tiền làm Tết nhảy để tạ ơn thần linh và cầu phúc, cầu lộc.

Người Dao tiền treo tranh cúng trước cây mùa màng.

Tết nhảy tuy chỉ được tổ chức trong phạm vi dòng họ nhưng lại có ý nghĩa chung cho cả cộng đồng người sinh sống ở cùng một khu vực. Thông thường các dòng họ người Dao tiền hàng năm sẽ thay nhau tổ chức lễ cầu mùa. Thông thường các nghi lễ thường diễn ra từ 30 Tết. Vào ngày này, cả gia đình trong dòng họ sẽ mang phần đóng góp lễ vật (gạo, rượu, gà...) đến nhà trưởng họ. Tại đây, cùng với bà con hàng xóm họ sẽ tập cùng nhau chuẩn bị đồ lễ và đặc biệt là chung tay làm “cây mùa màng”. Cây mùa màng là cây tre hoặc cây sấu được lựa chọn cẩn thận sao cho thật xanh tốt, sum suê. Người ta sẽ nặn bánh giầy thành những viên nhỏ rồi treo trên cây để tượng trưng cho mùa màng bội thu rồi dựng cây trước bàn thờ dòng họ.

Khám phá vịnh Lan Hạ

Nằm ở phía Đông đảo Cát Bà thuộc Tp. Hải Phòng, vịnh Lan Hạ từng được ví như “một thiên đường bị bỏ quên”. Nhưng nay thì thiên đường ấy đã và đang làm ngạc nhiên tất cả những tín đồ xê dịch, yêu thiên nhiên và muốn hòa mình vào thiên nhiên.

Nam tài tử Hollywood Leonardo DiCaprio đã chia sẻ một clip về vịnh Lan Hạ, ví nơi đây như thiên đường và kêu gọi du khách cần chú ý giảm thiểu tác hại với môi trường khi tới đây. Đoạn clip chỉ dài 1 phút nhưng tới nay đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt yêu thích. Hầu hết mọi người khắp nơi trên thế giới đều để lại bình luận ngạc nhiên, yêu thích và thậm chí có người còn hỏi “làm thế nào để tới được thiên đường có thật này”.

Một cụm đảo nổi trong vịnh Lan Hạ nhìn từ trên cao. Ảnh: La Casta

Cung An Định

Cung An Định (số 97 đường Phan Đình Phùng, Tp. Huế) là công trình kiến trúc nghệ thuật của triều Nguyễn, mang trong mình sự giao thoa kiến trúc Á - Âu vô cùng độc đáo. Đây là một công trình kiến trúc khác biệt hoàn toàn giữa hàng trăm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế hiện nay. Cung An Định là đại diện tiêu biểu cho trường phái kiến trúc tân - cổ điển ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Cung An Định tiền thân có tên gọi là phủ Phụng Hóa - một công trình bằng gỗ nằm bên bờ dòng sông An Cựu. Cung An Định được vua Đồng Khánh xây dựng vào năm 1917 cho con trưởng của mình - tức vua Khải Định - làm cung điện riêng sinh sống từ khi vua Khải Định còn là Thái tử đến ngày lên ngôi Hoàng đế. Sau ngày đăng quang, năm 1917, vua Khải Định sử dụng tiền riêng của mình bắt đầu cải tạo lại phủ Phụng Hóa theo lối hiện đại, biến phủ gỗ ban đầu trở thành một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ nhất Việt Nam thời bấy giờ, đổi tên là An Định cung. Tiếp nối truyền thống từ đời trước, vua Khải Định trao lại cung An Định của mình cho hoàng tử Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại sau này).

Cung An Định có tổng cộng có 22 phòng lớn nhỏ. Trong đó, tầng 1 có bảy phòng trang trí rất lộng lẫy, nổi bật nhất là đại sảnh. Tầng 2 gồm tám phòng là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi. Tầng 3 có bảy phòng là nơi ở cũ của đức Từ Cung thái hậu và nơi thờ tự.

16 thg 6, 2022

“Đánh thức” Hồ Ba Bể


Với tuổi đời hơn 200 triệu năm, Hồ Ba Bể trải qua nhiều cuộc kiến tạo vĩ đại của tự nhiên đã đưa một khối nước khổng lồ 5 triệu mét khối lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam và cũng là 1/100 nước ngọt lớn nhất thế giới, nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể (huyện Ba Bể). Tỉnh Bắc Kạn đang hành động đưa đưa “báu vật” này thành cú hích để phát triển du lịch thời kỳ hậu Covid.

Hồ Ba Bể hình thành từ ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng cùng tụ lại một điểm thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn tạo nên hồ Slam Pé, có nghĩa là ba hồ. Địa chất và địa mạo của khu vực Hồ hết sức phức tạp dẫn đến sự tạo thành các phong cảnh đẹp ngoạn mục với nhiều hệ sinh thái khác nhau.

Du lịch đêm -Giải mã Hoàng thành Thăng Long


Hoàng thành Thăng Long là công trình kiến trúc vĩ đại của Việt Nam được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Mới đây, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long đã tái khởi động đưa tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

Hoàng Thành Thăng Long là một trong những dấu ấn vàng son của dân tộc Việt Nam gắn liền với lịch sử nghìn năm rực rỡ. Xuất phát từ Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ vào năm 1010, kinh thành chính thức dời về Thăng Long (tên trước đó là Đại La) và các công trình dần được xây dựng. Trong đó nổi bật nhất là đại công trình hoàng thành với mô hình “Tam trùng thành quách”. Thành gồm có 3 vòng: La thành, Hoàng thành, Tử cấm thành. Sau hơn 1000 năm, trải qua thời đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn… Hoàng Thành Thăng Long đã bị thời gian và các cuộc tấn công phá hoại nghiêm trọng. Hiện nay phần lớn kiến trúc được bảo tồn, phục dựng trên nền di tích cũ. Bên cạnh phần công trình trên bề mặt, khu khảo cổ cũng dần được khai quật bài bản và mở cửa cho công chúng tham quan.

14 thg 6, 2022

Địa Tạng Phi Lai Tự - Điểm du lịch văn hóa tâm linh

Chùa Địa Tạng Phi Lai ( tên cổ là chùa Đùng) cách Hà Nội khoảng 70 km, tựa lưng vào núi, hai bên là dãy núi có hình thế theo phong thủy phương Đông là tả thanh long, hữu bạch hổ với nhiều cổ vật thiêng liêng, mang tính lịch sử. Theo lời kể của những người lớn tuổi trong thôn, chùa Đùng được xây dựng vào Thế kỷ 11 với quy mô hơn 100 gian. Đã có khoảng thời gian vua Trần Nghệ Tông chọn chùa Đùng làm nơi ở ẩn và vua Tự Đức cũng chọn nơi này đến cầu tự. Chùa Địa Tạng (thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) trước có tên là chùa Đùng, xung quanh là muôn vàn bóng thông reo, cối mọc hoang um tùm khiến ngôi chùa dường như bị lãng quên, xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 12/2015, Đại đức Thích Minh Quang về tiếp nhận, tu tạo, xây dựng và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai, nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể không bao giờ đến nơi này. Mà nơi nào Đức Địa Tạng không quay lại nghĩa là nơi đó hóa Phật.

Ngôi chùa ẩn mình trong rừng thông dưới chân núi, tạo cảm giác yên bình, thanh tịnh ngay lần đầu tiên du khách đặt chân đến. Ảnh: Công Đạt

Bún riêu cua- món ăn của đồng quê

Nguyên liệu chính của món bún riêu đó chính là cua. Khoa học đã chứng minh thịt cua giàu dinh dưỡng giúp giảm cân, làm cho tim khỏe mạnh, thị lực tốt và ngăn ngừa ung thư. Cua được chọn phải là cua cái, có độ to vừa phải sau đó được rửa sạch rồi tách mai ra khỏi thân, khều gạch cua ra khỏi mai. Để có được một bát gạch cua thơm, béo sẽ phải đem trưng cùng với mỡ và hành khô.

Nguyên liệu món bún riêu gồm: gạch cua trưng, bún, các loại rau sống cùng gia vị.

Hoang sơ núi Bể

Rừng tràm bạt ngàn dưới chân núi Bể thuộc huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Luân

Tham quan ngôi nhà trên cây cổ thụ, khám phá thác Cam Ly, hang Dơi, hầm cá Lăng, bắt cua đá trên núi Bể và tận hưởng thiên nhiên trong lành, mát mẻ chốn rừng núi hoang sơ là những trải nghiệm khó quên khi đi “phượt” đến ngọn núi này.

Núi Bể cao 570m so với mực nước biển, thuộc địa phận huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và giáp ranh với huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 170km. Từ TP.HCM đi về hướng Đông theo quốc lộ 51 qua địa phận các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, đến địa phận huyện Xuyên Mộc thì đi theo đường tỉnh lộ 329 để đến núi Bể. Một đường khác là từ thị xã Lagi (tỉnh Bình Thuận) theo quốc lộ 55 về phía Bắc tới Suối nước nóng Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) thì hỏi thăm người dân địa phương đường vô núi Bể, cách đó khoảng 30km nữa.

27 thg 5, 2022

Chả cốm – nét tinh hoa của ẩm thực Hà Thành

Nguyên liệu làm chả cốm gồm cốm tươi, nước mắm, đường, thịt lợn…

Khi đến với Hà Nội, du khách không thể bỏ qua những món ăn liên quan đến cốm như chè cốm, bánh cốm nhưng đặc biệt hơn cả đó là món chả cốm. Đây là món nổi tiếng trong thế giới ẩm thực của người Hà Thành bởi lẽ món ăn này là sự kết hợp tinh tế giữa vị ngọt đậm đà của thịt và vị dẻo thơm của hạt cốm bên trong làm bất cứ ai cũng khó có thể từ chối.

Những bàn xoay gốm khổng lồ ở bảo tàng gốm Bát Tràng

Bảo tàng gốm Bát Tràng – một công viên triển lãm gốm sứ mới xuất hiện gần đây tại làng gốm Bát Tràng.

Lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay vuốt gốm giao thoa với nhau, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt được xây dựng giữa lòng làng gốm cổ Bát Tràng. Công trình tọa lạc tại số 28, thôn 5, làng cổ Bát Tràng, có diện tích 3.300 m², nằm ở làng cổ Bát Tràng, Tp Hà Nội- cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 15km kế bên sông Bắc Hưng Hải, con sông đào nổi tiếng của Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Công trình do Văn phòng kiến trúc của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế từ năm 2018.Công trình có tổng số vốn đầu tư ước tính 150 tỷ đồng. Theo đơn vị thiết kế chia sẻ, công trình lấy cảm hứng từ hình ảnh những khối bàn xoay vuốt gốm giao thoa với nhau. Ở một góc khác, người nhìn có thể liên tưởng đến hình ảnh Lò Bầu cổ của người Bát Tràng xưa.

Nét đẹp văn hóa của trang phục người Dao Quần Chẹt

Bộ xà tích gồm dây bạc, nhiều đồng bạc, xương trâu vuốt thành đoạn nhỏ như chiếc đũa, chạm trổ cầu kỳ cùng những chiếc vòng bạc đeo cổ thể hiện tính kiên trì, địa vị của người mặc trong cộng đồng.

Cũng như các dân tộc khác trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, người Dao Quần Chẹt có nhiều phong tục tập quán độc đáo,trong đó phải kể đến nét đẹp trong văn hóa trang phục.Người Dao quần Chẹt chủ yếu sinh sống ở các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Người phụ nữ Dao Quần Chẹt từ nhỏ đã được đã được bà, được mẹ chỉ bảo, truyền dạy cho cách thêu thùa, làm trang phục truyền thống.

Vì thế mà họ luôn cảm thấy tự hào vì mình tự tay tạo nên bộ trang phục dân tộc. Để hoàn thành một bộ trang phục, người phụ nữ Dao Quần Chẹt phải trải qua những công đoạn công phu và tỉ mỉ, có khi mất cả tháng trời. Trang phục truyền thống của người Dao Quần Chẹt lấy tông màu chàm đen làm chủ đạo, kết hợp với những nét hoa văn thêu chỉ, các phụ kiện, trang sức khá cầu kỳ, hòa quyện vào nhau thành một khối thống nhất không thể tách rời.

Hội An – thành phố di sản hấp dẫn đặc biệt


Cổ kính như Lệ Giang của Trung Hoa, lãng mạn như Venice của Ý và êm đềm như Giethoorn của Hà Lan... đó là những cảm nhận của hầu hết du khách khi đến với phố cổ Hội An của Quảng Nam, nơi được mệnh danh là “thành phố của những danh hiệu”. Vì thế chẳng gì ngạc nhiên khi lượng du khách trong và ngoài nước quay trở lại với Hội An tăng nhanh ngay sau khi Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động du lịch sau thời gian dài đóng cửa vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

26 thg 5, 2022

Trà ướp hương xứ B’lao


Cây trà là một trong những loại cây công nghiệp quan trọng phát triển mạnh nhất vùng đất Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Cây trà không những đã giúp cho người dân có cuộc sống ổn định hơn mà còn tạo ra một nét văn hóa riêng cho vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió.

Nếu như ở phía Bắc cây trà được trồng nhiều ở các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ thì ở phương Nam vùng đất Lâm Đồng lại được mệnh danh là xứ sở của cây trà, với tên gọi trà B’lao. B’lao là tên gọi cũ của vùng đất Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng. Cây trà đầu tiên xuất hiện ở Cầu Đất, Lâm Đồng vào năm 1927. Người Pháp thấy vùng đất này thích hợp với cây trà nên đã đem giống trà Bạch Mao trồng ở đây. Sau đó theo quá trình phát triển, cây trà có mặt ở Di Linh và Bảo Lộc vào những năm 1930. Cây trà làm quen với đất B’lao từ những đồn điền của người Pháp rồi sau đó là sự ra đời của các trang trại, rẫy trà của các hộ gia đình.

24 thg 5, 2022

Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Lô Lô có từ rất lâu. Đó là một phong tục đẹp, giàu bản sắc, có tính chất giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Lô Lô tin rằng mọi vật đều có linh hồn, và họ có niềm tin về sự tồn tại của linh hồn, về mối liên hệ giữa người đã chết và người sống cùng chung huyết thống. Cùng ý thức tôn trọng cội nguồn, đức tính hiếu thảo của người Lô Lô cũng góp phần hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Người Lô Lô quan niệm tổ tiên, ông bà, cha mẹ…những người đã sinh ra mình có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại. Không những thế, tổ tiên còn có công bảo vệ làng xóm, phù hộ quê hương để bản làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo phong tục, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị hình người để thờ cúng. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở sát vách của gian giữa nhà, đối diện cửa chính. Trên đó có những hình nhân bằng gỗ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên. Người Lô Lô thường cúng tổ tiên vào tháng chạp hằng năm. Người ta có thể cúng tại nhà trong phạm vi gia đình. Còn khi làm lễ cúng tại miếu làng thì tất cả các gia đình trong bản sẽ đóng góp lễ và cùng tổ chức.

Thầy cúng Lò Sì Páo và bà con dân tộc Lô Lô tại thôn Sảng Pả A, thị Trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang thực hiện một lễ cúng tổ tiên.

28 thg 4, 2022

Vang danh Nhơn Nghĩa Đường

Màn múa mai hoa thung đặc sắc tạo ấn tượng mạnh với người xem. Ảnh: Thông Hải/VNP

Ngay từ thập niên 30 và 50 của thế kỷ XX, nhiều đội lân sư rồng đã được thành lập tại khu vực Chợ Lớn của Tp.HCM như như: Nhơn Nghĩa Đường, Liên Nghĩa, Thanh Liên, Liên Hữu .... Tuy nhiên, Đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường là đoàn lâu đời nhất và đã truyền dạy cho bao thế hệ đam mê với bộ môn múa lân sư rồng ở Sài Gòn.

Sự ra đời của Nhơn Nghĩa Đường Việt Nam gắn liền với võ sư Lưu Hạo Lương. Năm 1936, võ sư Lưu Hạo Lương thành lập Đoàn lân sư Nhơn Nghĩa Đường để truyền dạy võ thuật Chu Gia Quyền. Võ sư Lưu Hạo Lương là đệ tử đầu tiên của võ sư Chu Bưu, một trong "Ngũ hổ nhà Chu" ở Tân Hội Trung Quốc. Vì vậy, ông lấy “Chu Quán” hai chữ đi đầu đặt tên là "Đoàn lân Chu Quán Nhơn Nghĩa Đường".

14 thg 4, 2022

Báu vật sâm Ngọc Linh


Nói đến nhân sâm người ta thường nhắc đến Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật, Trung Quốc..., những quốc gia có thế mạnh về trồng và chế biến nhân sâm từ lâu đời. Tại Việt Nam có một loài sâm quý tuy mới được phát hiện vào thập niên 70 của thế kỉ trước nhưng đã được đánh giá là một trong 5 loài sâm tốt nhất trên thế giới với những thành phần dược tính thần kì mà không một loài sâm nào trên thế giới có được. Đó chính là sâm Ngọc Linh, một báu vật của đại ngàn, bảo vật của quốc gia được kì vọng sẽ đưa Việt Nam gia nhập và Top các “cường quốc” nhân sâm trên thế giới.

29 thg 3, 2022

Bánh trôi tàu phố cổ Hà Nội

Thưởng thức bát bánh trôi tàu nhân đậu xanh nóng hổi, thơm lừng cùng vị ngọt dịu pha chút cay nồng của nước đường và gừng là một trải nghiệm khó quên của người dân cũng như du khách khi đến Hà Nội.

Bánh trôi tàu là loại bánh được làm bằng bột gạo nếp cùng hai loại nhân phổ biến là đậu xanh và vừng đen, ăn cùng nước đường mía nấu cùng gừng đun nóng và dừa nạo. Bánh trôi tàu hấp dẫn thực khách nhờ lớp vỏ bánh mềm mượt bên ngoài mà dẻo dai bên trong, phần nhân mềm mại bùi bùi và nước đường thanh thanh thơm mùi gừng. Ăn miếng nào vị cay ngọt của gừng đọng lại miếng đó. Cái vị cay ngọt ấy đã thấm vào cuống lưỡi, cổ họng, làm ấm cơ thể và xua tan cái lạnh của Hà nội.

Bánh trôi tàu, món ẩm thực ấm nóng không thể thiếu trong những ngày Hà Nội trở lạnh.

Núi Chúa – Khu dự trữ sinh quyển mới của thế giới


Sự đặc biệt của khu dự trữ sinh quyển 3 trong 1

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa, có tổng diện tích hơn 106.646 ha (vùng lõi khoảng hơn 16.400 ha), nằm trên địa bàn hai huyện Ninh Hải và Thuận Bắc, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm của tỉnh Ninh Thuận khoảng 30km về hướng Đông Bắc.

Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Cơ Ho Srê

Lễ Nhô Lir bông (Mừng lúa mới ) của người Cơ Ho Srê tại huyện Di Linh, Lâm Đồng là một trong những lễ hội lớn, đặc sắc nhất của người Cơ Ho Srê. Là nhóm có dân số lớn nhất, nhóm Cơ Ho Srê sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước ở cao nguyên Di Linh. Mới đây người Cơ Ho Srê đã tái hiện những nét đặc trưng nhất của Lễ hội Nhô Lir bông tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội.

Là những cư dân đã sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Tây Nguyên, đồng bào dân tộc Cơ Ho luôn tự hào về truyền thống văn hóa rất phong phú, đa dạng và giàu bản sắc của dân tộc mình. Sự phong phú, đa dạng ấy được thể hiện qua mọi khía cạnh của đời sống, từ những làn điệu cồng chiêng, những khúc hát dân ca cho đến trang phục truyền thống và thể hiện rõ nét nhất trong những lễ hội dân gian độc đáo, khác lạ.

Già làng và các thày cúng chuẩn bị cho phần lễ của ngày hội.