Hiển thị các bài đăng có nhãn * Phạm Hoài Nhân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn * Phạm Hoài Nhân. Hiển thị tất cả bài đăng

11 thg 10, 2021

Thiền sư Đại Điên

Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng tui có đọc mấy tập truyện tranh về Tế Điên hòa thượng, - một ông hòa thượng ăn thịt, uống rượu say bét nhèm, nửa điên nửa tỉnh nhưng phép thuật kinh hồn - tui cứ nghĩ đây là một nhân vật tưởng tượng được viết ra cho con nít (như tui) đọc. Sau này tui mới biết đó là một nhân vật có thiệt, được người đời sau thêu dệt nhiều chi tiết huyền hoặc.

Nhiều năm sau này, tìm hiểu các tích truyện Việt Nam, tui phát hiện ở nước Việt xưa cũng có một vị sư tên Đại Điên. Đại Điên không nổi tiếng như Tế Điên hòa thượng và cũng không tài phép như ông ta, nhưng cũng có pháp thuật cao cường. Câu chuyện về nhà sư Đại Điên có liên quan đến một vị sư lừng lẫy trong lịch sử nước nhà, đã từng được phong làm quốc sư thời nhà Lý, đó là Từ Đạo Hạnh - thế danh là Từ Lộ. Nói cho đầy đủ, đây là câu chuyện về bộ ba Đại Điên - Từ Vinh - Từ Lộ, trong đó Từ Vinh là thân phụ của Từ Lộ.

Chùa Thầy Hà Nội. nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh,

Đồi núi ở An Giang

Đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100km; khởi đầu từ xã Phú Hữu, huyện An Phú, qua xã Vĩnh Tế, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, bao trùm lên gần hết diện tích hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, về tận xã Vọng Thê, thị trấn Óc Eo và Vọng Đông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập của huyện Thoại Sơn.

Núi Cấm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

9 thg 10, 2021

Nguyễn Bá Trác - Một blogger du lịch bậc thầy!

Bạn nghe tên Nguyễn Bá Trác quen quen hả? Cứ như là Nguyễn Bá Trác nổi tiếng với bản dịch bài Hồ trường vậy á.

Thì đúng rồi, ổng chớ ai!

Bỏ qua tiểu sử cần nhiều điều bàn luận và cả cái chết uẩn ức của Nguyễn Bá Trác, bữa nay tui chỉ muốn nói về điều khiến tui gọi ông là một blogger bậc thầy, dù rằng vào thời của ông người ta chưa biết blog là cái gì.

Cách đây hơn 100 năm đã có một blogger Việt Nam du lịch Nhật Bản và viết blog hết xẩy!

6 thg 10, 2021

Đi máy bay... một trăm năm trước

 Kể từ khi có vé máy bay giá rẻ, số người có dịp đi máy bay ở nước ta đã tăng lên rất nhiều nhưng chắc là số người cả đời chưa bao giờ đi máy bay cũng không phải ít. Trước đây nữa, đi máy bay được coi là phương tiện di chuyển chỉ dành riêng cho giới quý tộc, giàu sang.


Vậy... 100 năm trước thì sao? Chắc chắn là hồi đó hầu hết mọi người đều chỉ có thể thấy máy bay chớ không hề biết cái cảm giác ngồi trong máy bay bay giữa chín tầng mây nó ra làm sao.



Thật thú vị, năm 1919 (cách đây 102 năm) trên Nam Phong tạp chí, ông Phan Tất Tạo - một trong những phi công đầu tiên của Việt Nam - đã đăng bài Đi tàu bay để tả cho đồng bào mình nghe cái cảm giác đi máy bay nó ra làm sao. Ta cùng đọc lại bài này để coi cái cảm giác ấy của 100 năm trước có gì khác không nhé.

Những thông tin ít ỏi về ông Phan Tất Tạo còn sót lại cho biết: Phan Tất Tạo thuộc lớp phi công đầu tiên của Việt Nam được huấn luyện tại Pháp, cùng thời với Đỗ Hữu Vị (con trai Tổng đốc Phương). Ông sinh ngày 15/03/1882 tại Sơn Tây (Bắc Kỳ). Ông tình nguyện gia nhập đội ngũ phi công quân sự ngày 24/4/1915 thuộc Trung đoàn 1. Ngày 19/10/1915 ông là phi công thử nghiệm cho loại máy bay Caudron, một phát minh mới của ngành hàng không Pháp lúc bấy giờ.

Hình ảnh trong bài viết được tui sưu tầm và thêm vào cho nó... màu mè một chút!

Phạm Hoài Nhân

ĐI TÀU BAY

PHAN TẤT TẠO

Bản quán mới tiếp được bài sau này của ông đội tàu bay (sergent aviateur) PHAN TẤT TẠO mới ở bên Pháp về, hiện tòng sự ở sở Tàu bay Đông Dương. Bài này là bài tả thực, kể cái cảm giác vừa sợ vừa vui, vừa lo, vừa mừng, vừa bàng hoàng bối rối, vừa khoan khoái nhẹ nhàng của người mới đi tàu bay lần thứ nhất, thật là một lối văn chương lạ của một tay nhà nghề giỏi, xin giới thiệu cho các bạn đọc báo. Ông Phan có hứa sẽ soạn mấy bài nữa về lịch sử và máy móc của tàu bay, bản báo sẽ lần lượt đăng dần.

PH.Q.

Chiếc máy bay Caudron G.3 của Pháp được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ I, có lẽ phi công Phan Tất Tạo đã từng lái loại máy bay này khi làm việc tại Pháp. Ảnh: Wikipedia

Nhờ ơn từ khi Quan Toàn quyền Albert Sarraut cai trị và khai sáng cõi Đông Dương, nhiều các ông bà người Nam ta đã trông thấy tàu bay, bay lượn ở trên thanh không các xứ ta. Thường có nhiều người hỏi chẳng biết những người ngồi ở trong tàu bay đi ở trên cao thì thấy những sự gì? Nhân cũng biết cầm máy tàu bay được ít nhiều, vậy tôi xin nhờ báo Nam Phong để mời các ông bà cùng với tôi bay bổng một vài phút đồng hồ.

Ai nấy cũng biết rằng càng lên cao bao nhiêu, càng rét bấy nhiêu, càng đi nhanh bao nhiêu, gió thổi vào mặt bấy nhiêu. Vậy trước khi lên tàu xin các ông bà đội mũ (casque pour aviateur), đeo kính, quàng khăn cổ, mặc quần áo dạ hay quần áo lông, đi bít tất tay, đi giầy da hay ủng mà trong có lông. Sắm sửa xong, xin mời vào ngồi trong tàu và xin các ông bà nhớ quấn vào mình cái thắt lưng treo ở chỗ ngồi để cho tàu giữ chặt lấy thân thể.

Ở trên trời xanh tốt, gió thổi hiu hiu, xin các ông bà ngồi cho ngay và vững để cho tôi cho quay máy (moteur) chạy. Máy chạy thì cánh quạt (hélice) quay ngay, rồi tàu bắt đầu chạy ở trên mặt đất độ hai trăm thước. Mới đi tàu lần này là lần thứ nhất, mà còn đi ở dưới đất, lúc này là các ông bà chỉ thấy gió thổi vào mặt rất mạnh, tàu đi rất nhanh cho đến nỗi trông xuống không nhìn rõ một cây cỏ, trông hai bên tả hữu thấy cây cối cùng nhà cửa tựa hồ như chạy đến hai bên mình rất mau. Vốn xưa nay chưa đi thứ xe chi, thứ tàu gì nhanh như thế, hóa ra trong người thấy hơi khó chịu, sự thở hơi khó một chút, song cố gượng rồi cũng quen dần, coi như thường.

Đỗ Hữu Vị - người được coi là phi công đầu tiên của Việt Nam - trên máy bay Caudron G.3

Đi được một hồi - trong mình thấy đã dễ chịu và đã hơi quen gió, bỗng thấy như có người nâng lên trên cao rồi thân thể lại nôn nao khó chịu như trước, như có ý muốn vươn dài ra để lên cho chóng. Lúc đó là tàu bổng lên đó.

Khi còn đang lên thì ít người dám trông xuống vì rằng đi chưa quen và sợ rơi xuống đất. Tuy rằng lúc đó còn lo sợ, song chắc rằng các ông bà đã thấy trong người khoan khoái dần lên, như nhẹ nhàng mát mẻ...

Bấy giờ trông đồng hồ thì tàu đã lên được hơn một nghìn thước, vậy xin vặn máy cho tàu đi ngang để các ông bà vững lòng và trông xuống dưới đất cho rõ. Lúc này tuy rằng tàu đã đi ngang rồi như lần thứ nhất cũng có nhiều ông bà chưa dám trông xuống ngay. Chỉ thử hơi liếc mắt xuống một tí, song thấy gió thổi vào mặt như táp, lại vội vàng cúi đầu vào đàng sau mui tàu ngay. Nhìn thử một đội lần rồi đánh bạo mới nhìn thẳng xuống cõi trần, thấy chỗ thì xanh, chỗ thì trắng, chỗ thì đỏ, chẳng thiếu thứ mùi gì; mà nhà cửa cây cối, vườn ruộng, sông núi nhỏ hơn trước nhiều (ở trên cao một nghìn thước thì thấy nhà, cây, vân vân, nhỏ đi độ mất một nửa). Xem ra tựa hồ như đất chạy chứ không phải là tàu bay ở trên.

Đương khi các ông bà còn đang ngắm phong cảnh, nhìn chỗ này, nhận chỗ kia; bỗng thấy tàu chềnh bên này, rồi lại chềnh bên kia như là cái chi thật mạnh mà kéo hai bên tàu một cách rất dữ dội và rất nhanh. Lúc bấy giờ có lẽ nhiều ông bà giật mình và lo, rồi vội vàng nắm chặt lấy hai bên tàu? Tưởng rằng dễ tàu sắp đổ? Tàu mà bị chềnh đi thế là tại đi vào chỗ gió thổi cuộn. Sự đó không hiểm nghèo gì vì là trong tàu đã có máy vặn cho tàu lại đi bằng phẳng ngay được.


Cũng có lúc đang đi thấy tàu, hoặc nhẩy thẳng ngay lên độ một trăm thước, hoặc thụt ngay xuống độ một trăm thước thì lại thêm bối rối lo sợ hơn sự tàu nghiêng lệch, vì là tưởng rằng tàu lộn nhào hay là ngả nghiêng ra mà có thể nguy! Nhưng mà được may rằng tàu nhẩy lên hay thụt xuống nhanh như chớp mắt, mà khi đã lên hay xuống rồi thì tàu lại đi ngang ngay như cũ. Tàu đi phải những lúc như vậy là tại đi vào chỗ gió thổi xoáy lên hay xoáy xuống.

Tuy rằng trên trời rộng mênh mông thế mà nhiều khi đi gặp một đám mây mù mà không thể nào tránh được. Phải chịu liều đi vào trong đó đến bao giờ hết mây thì thôi! Tàu bay ở trong mây bị mây cán không thể đi nhanh như trước được. Cái cánh quạt quay tan mây ra xung quanh làm thành ra khói mù cho đến nỗi các ông bà ngồi trong tàu chỉ hơi trông thấy trắng mờ mờ thôi. Mây chạm vào cánh tàu kêu sồn sột nghe như tiếng sỏi ở trên cao đổ xuống một miếng vải căng vậy. Bay ở trong mây rất là phiền vì không biết tàu mình bay ở chỗ nào, xứ nào? Đi tàu bay phải nhiều khi nghiêng lệch, lên cao xuống thấp thế mà các ông bà không chóng mặt váng đầu, không say sóng, như khi trèo lên một cái nhà cao, hay như khi đi tàu ở ngoài biển có sóng gió! Được như thế bởi vì một là: khi bay thì tàu với quả đất lìa hẳn nhau; hai là hễ khi nào chênh lệch thì tôi vặn máy cho tàu bằng phẳng lại ngay; hóa ra những sự nghiêng lệch không kịp làm cho các ông bà ngồi trong tàu say được. Chỉ có khi nào mà phải đi lúc gió to quá mà đi hai ba giờ đồng hồ thì mới váng vất say một chút mà thôi.

Từ nẫy đến giờ tàu đi vào phải những nơi gió sóng không được yên, may bây giờ được lúc này tàu đi bằng phẳng mà lại qua một cái tỉnh lỵ, xin các ông bà nhìn xuống đất để xem ra làm sao? Hẳn các ông bà thấy các lâu đài cao đẹp, các phố phường ngang dọc, các nóc nhà đen đỏ, các hồ xanh biếc, các vườn xanh rì, các xe lửa, xe điện, xe hơi cùng xe ngựa chạy nhanh tăm tắp tới chỗ nọ, nơi kia; các người ta kẻ đi chơi thong thả, kẻ vội đi nhanh, xem ra đều là nhỏ cả chẳng khác gì một bản đồ mà ở trong có múa rối.


Khi bay trên một cánh đồng thì thấy cỏ cây xanh rì, chỗ này mấy cái nhà, chỗ kia mấy cây cao chót vót; một vài cái lạch nước con con chảy vào các vườn ruộng; thỉnh thoảng thấy năm ba người be bé đi thăm đồng. Còn như đất thì thấy chỗ nào cũng bằng nhau cả chỉ trừ ra những gò đống nào cao lắm thì mới có thể phân biệt được.

Khi đi trên núi các đỉnh đá xanh lỗ chỗ, thường ở xung qua quanh hay có một vài đám mây trắng ám, trên các đám mây đó cũng có nhiều đỉnh nhỏ khác chẳng khác gì một đám núi con vậy. Có nhiều lúc mây bốc khói lên, trông xuống như núi cháy, nhất là khi có mặt trời chiếu vào trông lại càng rực rỡ lắm.

Khi đi qua sông, nếu mà có đi thấp thì mới thấy nước chảy, không thì chỉ thấy một dòng nước nhỏ con con, lóng lánh mà chỗ nọ thẳng chỗ kia cong queo, hình như một con rắn bạc nằm phơi nắng ở bên cây cỏ.

Bây giờ các ông bà đã đi qua tỉnh, qua đồng, qua núi, qua sông chắc là các ông bà tin tàu bay được nhiều phần mà trong bụng chỉ mong làm sao cho máy cứ bền vững mà đi được rõ lâu để xem mãi những phong cảnh ấy. Còn bao nhiêu sự lo nghĩ ở dưới trần ai thì quên sạch. Chỉ trừ ra những lúc nào có sự khó khăn hiểm nghèo thì người ngồi trong tàu bay mới nghĩ đến các việc ở dưới đất.

Đi từ nãy đến giờ cũng đã lâu vả chăng tàu cũng đi gần đến chỗ đất đậu, tôi xin phép các ông bà cho hãm máy để xuống. Máy chạy từ từ (ralenti) rồi tàu chúc đầu xuống, lúc đó các ông bà ngã gục về đàng trước mà nghe máy chạy rất êm không có những tiếng vù vù nữa. Trong mình lại bàng hoàng hơn lúc lên, lại thêm gió thổi vào mặt mạnh hơn lúc đi ngang. Trông xuống đất thấy nhà cửa cây cối lại dần dần lớn như cũ; thấy một sự rất hãi là tựa hồ như đất chạy đâm vào tàu mình rất nhanh. Tưởng rằng có lẽ tàu đâm vào đất ngay chắc? Bỗng một chớp mắt đã thấy tàu ngẩng đầu lên mà hai cái bánh xe tàu đã chạy ở dưới đất độ một trăm thước, rồi tàu đứng lại; lúc đó mới tỉnh ra rằng mình đã xuống đến đất rồi! Khi các ông bà bước chân xuống đất thì chắc hẳn mơ mơ màng màng vừa mừng vừa lo...

Hà Nội 15 Avril 1919
P.T.T.
Nam Phong tạp chí, số 22, tháng Tư 1919

1 thg 10, 2021

Đội đá vá trời

 Đất nước ta có khá nhiều tảng đá khổng lồ đứng chênh vênh như sắp rớt, tạo dáng vẻ ly kỳ cho người đứng kế nó. Quen thuộc và nổi tiếng nhất có lẽ là Đá Ba Chồng ở Định Quán (Đồng Nai), bởi vì nó nằm ven quốc lộ 20 trên đường đi Đà Lạt. Tuy nhiên, vì khối đá quá to và mọi người ít có dịp tiếp cận gần nên không có ảnh tạo dáng chung với đá.


Đá Ba Chồng, Định Quán

30 thg 9, 2021

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận được nhiều người biết, đã được đưa vào sách giáo khoa Văn học 12 từ 1990 đến 2006.Tất nhiên học trò bình thơ phải khen hay. Tui không dám nói bài thơ này không hay, nhưng ở góc độ cá nhân, tui chả thích nó tí nào. Cái không thích lớn nhất là việc nhà thơ lấy cặp mắt xã hội chủ nghĩa để nhìn những bức tượng của các vị thánh trong Phật giáo, và áp đặt tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào đó.


Đôi khi tui cũng lấy vài câu trong bài thơ để minh họa cho một ý tưởng nào đó, vì thấy nó hợp với tình huống đang viết, dù chẳng ăn nhập với ý tưởng chung của bài thơ. Chẳng hạn như:

Một câu hỏi lớn không lời đáp
Nên đến bây giờ mặt vẫn chau

Điều tui tò mò là: Mặt mũi các vị La Hán ấy như thế nào khiến ông Huy Cận ổng ngắm nghía rồi làm ra bài thơ như vậy? và Chùa Tây Phương ở đâu, mà nghe cứ như là... Tây Phương cực lạc?

28 thg 9, 2021

Từ Năm Căn nhớ về... Cư xá 60 căn

Trước đây, đường bộ Việt Nam chỉ tới Năm Căn là hết. Nơi đây là vị trí hợp lưu của sông Cửa Lớn, là điểm giao thương thuận lợi, nên dần dần phát triển thành phố chợ bên sông.

Tượng đài Phan Ngọc Hiển ở Năm Căn

Người ta giải thích xuất xứ tên gọi Năm Căn như sau: Cách đây hơn 2 thế kỷ có một người Hoa tên Chệt Hột đến đây dựng lên 5 căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy (trại đáy là khu trại nơi dân chài phơi lưới và đóng đáy). Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy 5 căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh Năm Căn.

18 thg 9, 2021

Bình Dương, có mấy Bình Dương?

 1.

Có lần tui ra Qui Nhơn, buổi tối ngồi uống cà phê với mấy anh bạn. Mấy ảnh nói với nhau:
  • Sáng mai tui có việc phải đi Bình Dương.
  • Lâu mau? Chừng nào về?
  • Làm việc trong buổi sáng thôi, trưa về.
Tui nghĩ thầm trong bụng: Từ Bình Định đi Bình Dương bằng xe cũng phải hơn 12 tiếng, muốn sáng mai tới đó thì giờ này phải đi rồi. Bằng không thì phải đi máy bay. Mà chuyện gì quan trọng, cấp bách đến nỗi phải bay đi Bình Dương gấp rồi trưa bay về vậy ta?

Hóa ra hổng phải vậy! Bình Dương là tên một thị trấn thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, chỉ cách Qui Nhơn có 68 km thôi. Đi về trong buổi sáng là hoàn toàn ok!

Đài tưởng niệm liệt sĩ ở Bình Dương, Phù Mỹ. Ảnh: Huyện đoàn Phù Mỹ.

4 thg 8, 2021

Vắng tanh như chùa Bà Đanh

 1. Hồi xưa ấy, lúc đầu tui đọc được thông tin là chùa Bà Đanh ở Hà Nội. Số 199 đường Thụy Khuê, gần Hồ Tây. Thế rồi có dịp cùng bạn bè ngồi chơi bên bờ Hồ Tây, tui tranh thủ thả bộ qua phố Thụy Khuê để coi vắng như chùa Bà Đanh là sao.

Trái với hình dung của tui, chùa Bà Đanh đâu có vắng. Nói cho chính xác là không vắng mà cũng không đông (thử nghĩ coi, ở ngay trung tâm quận Tây Hồ mà vắng gì nổi!), không có gì nổi bật và cũng hơi khó tìm vì nằm sâu trong hẻm. Tên chùa cũng không phải Bà Đanh, mà là Châu Lâm - hoặc Phúc Châu.

Lối vào chùa Châu Lâm. Ảnh: ZingNews

31 thg 7, 2021

Ca khúc "Về Đồng Nai"

Ca khúc Về Đồng Nai được nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác năm 1984 và trong nhiều năm từ giữa thập niên 1980 được phát thường xuyên trên đài phát thanh Đồng Nai (hồi đó chưa có truyền hình Đồng Nai, và nghe hát chủ yếu qua loa phường). Thường xuyên đến mức tưởng như nhạc hiệu của đài. 

Khách quan mà nói, đây chưa phải là một ca khúc xuất sắc của nhạc sĩ Xuân Hồng, nhưng được nghe thường xuyên và lời ca êm dịu, tha thiết nên tui vẫn nhớ hoài và ghi lại kỷ niệm một thời.


13 thg 7, 2021

Xáng là gì?

Trước khi người Pháp đến Việt Nam, người Việt ở Nam bộ đã di chuyển trên sông rạch và làm ruộng ở những vùng sông rạch này rồi. Khi người Pháp đến, họ thấy sông rạch tự nhiên (và một số kinh đào như kinh Vĩnh Tế, kinh Thoại Hà...) là chưa đủ. Họ cho đào kinh thêm ở những nơi có thể làm ruộng được, tạo đường giao thông chuyên chở, rút bớt nước lụt, rút bớt phèn. Khác với những con kinh do người Việt đào trước đó chủ yếu bằng thủ công, những con kinh do người Pháp đào sử dụng phương tiện cơ giới.

Những chiếc máy đào kinh, vét mương rạch này được gọi là xáng. Những con kinh đào bằng xáng được gọi là kinh xáng.

Kinh Xáng Xà No. Ảnh: Lý Anh Lam

6 thg 7, 2021

Vàm Xáng là gì?

Câu ca dao "Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền" dễ làm những người không phải dân Cần Thơ nghĩ rằng đây là 4 địa điểm khác nhau . Thiệt ra, đây là 4 địa danh nhưng chỉ có 2 địa điểm thôi. Bởi vì Ba Láng thuộc Cái Răng còn Vàm Xáng thuộc Phong Điền. Câu ca dao trên nếu diễn giải dài hơn một chút cho rõ nghĩa thì sẽ là "Cái Răng có Ba Láng, Vàm Xáng ở Phong Điền".

Cái Răng là quận nội đô, Phong Điền là huyện ven đô của thành phố Cần Thơ.

Ba Láng là phường thuộc quận Cái Răng, phía Tây của phường này giáp huyện Phong Điền.

Cổng chào phường Ba Láng, TP. Cần Thơ

5 thg 7, 2021

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền

 


Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền
Đừng cho lúa gạo kẻo xóm giềng cười chê...

Dân Cần Thơ chắc ai cũng biết câu ca dao đó, nhưng mà nhứt trí với nhau về ý nghĩa câu ca dao thì chắc là không. Điểm gây tranh cãi chính là ý nghĩa của 2 câu sau, nó có vẻ mâu thuẫn với những quan điểm truyền thống của người dân Nam bộ:

Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền
Đừng cho lúa gạo kẻo xóm giềng cười chê...

3 thg 5, 2021

Ở nơi không có sân bay, nhưng có máy bay đậu

An Giang không có sân bay?

Thật ra An Giang đã từng có không chỉ một mà đến 3 sân bay, đó là các sân bay Long Xuyên (còn gọi là sân bay Vàm Cống, nằm ở Long Xuyên), sân bay Châu Đốc (nằm ở Châu Đốc) và sân bay Thất Sơn (nằm ở Tịnh Biên). Tuy nhiên đó đều là các sân bay nhỏ, phục vụ cho mục đích quân sự và đến nay đã không còn sử dụng nữa.

An Giang có đề xuất xây dựng sân bay tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành và đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch ngày 2/6/2011, tuy nhiên đến năm 2016 dự án này đã bị loại bỏ khỏi quy hoạch giao thông 13 tỉnh Tây Nam Bộ từ nay tới năm 2030 vì không khả thi.

Tóm lại là hiện nay An Giang không có sân bay nào hết!

Nhưng vẫn có máy bay!

Máy bay YAK-40 ở khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: Lê Quang Dũng

1 thg 5, 2021

Gỏi lá Kontum

Người ta nói rằng tới Kontum mà chưa ăn gỏi lá thì... chưa nên về! Đó là tui mới biết gần đây, còn trước đây những lần tới Kontum tui đều về tuốt trước khi biết gỏi lá là cái món gì. Lần gần đây cũng vậy, sau khi ghé thăm Nhà thờ Gỗ và Tòa Giám mục thì cũng đã chiều tối, tới giờ ăn. Quẹt quẹt trên Google Maps một chút thì biết rằng gần xịt nơi đó là con đường Trần Cao Vân, nơi tập trung nhiều quán đặc sản gỏi lá Kontum, tui cùng gia đình quyết định tới ăn cho biết chớ không phải là định trước.

Nói đến gỏi, người ta nghĩ ngay đến đủ thứ rau củ, ngó sen... với tôm, thịt luộc pha trộn chua chua ngọt ngọt... Còn gỏi cuốn thì cũng nhiều món rau, tôm thịt... như trên, nhưng không có làm chua ngọt mà cuốn bánh tráng rồi chấm nước chấm. Thế nhưng gỏi lá Kontum thì không phải như vậy!

Gọi là gỏi lá bởi vì nó chủ yếu là... lá, như vầy nè (cái rổ lá chớ không phải cái cô sơn nữ bưng rổ đâu nghen!).

26 thg 4, 2021

Gió và nước ở Kontum

 Những ai đam mê kiến trúc ắt hẳn đều biết đến tên kiến trúc sư Võ Trong Nghĩa với vô số tác phẩm đoạt giải quốc tế của anh, trong đó nổi bật là những kiến trúc xanh - đặc biệt là với vật liệu chủ lực là tre. Công trình nổi bật, đoạt giải quốc tế đầu tiên của Võ Trọng Nghĩa là cafe Gió và Nước ở Bình Dương, hoàn thành năm 2008.

Sau Gió và Nước ở Bình Dương, nhiều công trình tương tự đã được Võ Trọng Nghĩa tạo nên cả trong và ngoài nước. Một trong những công trình ấy là Cafe Indochine ở KontumCafe Kontum Indochine được xây dựng tháng 7/2013 và ngay sau đó đã được tạp chí ArchDaily (Mỹ) đưa vào danh sách 5 công trình được đề cử giải thưởng Building of the Year (công trình của năm) tại hạng mục khách sạn - nhà hàng. Giải thưởng trên được quyết định bởi chính các nhà chuyên môn và hơn 300.000 độc giả trên toàn thế giới của ArchDaily bình chọn cho công trình kiến trúc ấn tượng nhất trong năm.

Cafe Indochine Kontum. Ảnh: PHN

22 thg 4, 2021

Lăng cá Ông ở Vũng Tàu

 Lăng cá Ông ở Vũng Tàu nằm trong Đình thần Thắng Tam, trên đường Hoàng Hoa Thám. Đây là một quần thể kiến trúc, di tích gồm ba công trình: đình Thắng Tam, miếu Bà và lăng cá Ông. Năm 1991, cụm kiến trúc đình Thắng Tam đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.


Tam quan đình thần Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Theo tập quán lâu đời của cư dân biển, họ gọi cá ông (cá voi) là Ông Nam Hải. Do vậy, lăng cá Ông được gọi là Lăng Ông Nam Hải. Dưới đây là ảnh mặt tiền của Lăng Ông Nam Hải, chụp trước năm 2011 (ảnh của anh TMB, đăng trên Thời báo Kinh tế SG ngày 16/02/2010)

20 thg 4, 2021

Thăm nghĩa trang cá Ông lớn nhất Việt Nam

 Trần Hưng Đạo là con đường nhựa nhỏ chạy ven biển làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi đến cuối đường, ta thấy cổng một ngôi đền hướng ra biển, đó là Ngọc Lăng Nam Hải, nơi được xem là nghĩa địa cá voi lớn nhất Việt Nam.



Tục an táng và thờ cúng cá ông (cá voi) là một tín ngưỡng dân gian có ở hầu như mọi làng chài thuộc duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Khi người dân chài phát hiện được cá voi mắc cạn và mất, tục gọi là ông luỵ bờ thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Chủ ghe hoặc 
người con trai cả của chủ ghe sẽ đứng tên để tang "ông". Sau 3 ngày chôn cất, sẽ làm lễ mở cửa mả, sau đó cúng 21 ngày, 49 ngày, 3 tháng 10 ngày, giỗ đầu... như cúng đối với cha của mình.

19 thg 4, 2021

Đây là đâu hỡi em?

 Bến Vân Đồn ở đâu?

Nếu bạn là dân Sài Gòn thì khi nghe câu hỏi này theo phản xạ tự nhiên bạn sẽ trả lời ngay: Ở quận 4 chớ ở đâu? Tất nhiên rồi, vì Bến Vân Đồn là con đường cặp theo rạch Bến Nghé ở quận 4.

Đường Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM

Thế nhưng nếu không phải dân Sài Gòn, bạn sẽ dừng một chút để suy nghĩ và trả lời rằng: Vân Đồn ở Quảng Ninh. Đúng luôn! Nhứt là thời gian gần đây sân bay Vân Đồn là nơi nhiều khách nước ngoài về Việt Nam và... đi cách ly.

18 thg 4, 2021

Ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam

Thế hệ ngày nay có lẽ chỉ còn nghe nhắc đến ông Đạo Dừa mỗi khi đi tham quan Cồn Phụng ở Bến Tre, nơi ông tu hành trong thời gian dài và xây dựng nên nhiều cơ sở thờ phụng.

Ông Đạo Dừa tên thật là Nguyễn Thành Nam, sinh ngày 25 tháng 12 năm 1910 tại Bến Tre. Xuất thân trong một gia đình danh giá và giàu có, ông du học tại Pháp, tốt nghiệp kỹ sư hóa học và về nước năm 1935. Đến năm 1945 ông đi tu ở Bảy Núi, Châu Đốc và năm 1963 chính thức lập nên Đạo Dừa tại Cồn Phụng, Bến Tre.

Chiếc đỉnh lớn ghép bằng gốm sứ đặt tại Cồn Phụng. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên trên Wikipedia