Hiển thị các bài đăng có nhãn Âm nhạc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Âm nhạc. Hiển thị tất cả bài đăng

19 thg 10, 2019

Nhớ hơ mon…

Là loại hình văn nghệ dân gian độc đáo, sử thi góp phần làm nên nét đẹp văn hóa của đồng bào các DTTS Tây Nguyên. Bây giờ, tuy không còn phổ biến như cồng chiêng, xoang hay các nhạc cụ truyền thống, song sử thi (tiếng Ba Na là hơ mon) vẫn được gìn giữ, tiếp nối niềm tự hào của thế hệ đi trước. Với hơ mon, gần cả cuộc đời, già A Lưu ở làng Kon Klor (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) vẫn nhớ...

Đã lâu mới trở lại. Con đường nhỏ từ ngã ba trên trục đường chính của xã Đăk Rơ Wa rẽ vào nhà già A Lưu ngày trước lởm chởm sỏi đá, giờ đã được bê tông hóa phẳng lì. Chỉ có căn nhà nhỏ của gia đình ông ở chỗ thưa dân này thì vẫn vậy, có chăng là ngả màu cũ hơn. Vừa qua một trận ốm, già A Lưu chưa hết mệt mỏi. Mới đây, có đoàn quay phim của VTV về Kon K’tu mời già hát kể hơ mon nhưng đành phải từ chối.

Ông bảo “tiếc quá”, nhưng “lực bất tòng tâm”. Đã ngoài 80 rồi còn gì. Những cơn ho tức ngực, đau xương nhức cốt, run tay run chân… Lâu không hát kể, thấy nhớ hơ mon làm sao! Nghe hỏi về sử thi, mắt già sáng lên, cười móm mém. Bao nhiêu chất chứa trong lòng được dịp giãi bày.

16 thg 10, 2019

Nồng nàn làn điệu Tâm Pớt

Trong đời sống tinh thần của đồng bào M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Tâm Pớt là làn điệu dân ca được hát theo phong cách ngẫu hứng mang đầy màu sắc văn hóa được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. 

Trong âm thanh của cồng chiêng, bên bếp lửa bập bùng, làn điệu Tâm Pớt được cất lên thu hút sự quan tâm của cộng đồng cũng như du khách. 

Hát Tâm Pớt luôn có mặt trong các lễ hội truyền thống của người M'nông 

Theo Nghệ nhân Nhân dân Điểu Marin ở bon Bu Brâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song), hát Tâm Pớt là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người M’nông. Người M’nông có thể hát kể Tâm Pớt khi kết bạn, giao duyên, lúc uống rượu cần hay trong nhà, bon làng có khách quý… Mỗi bài hát Tâm Pớt gồm nhiều câu và mỗi ý được người hát ứng đối dài hay ngắn tùy theo nội dung được đề cập. Tùy theo tính chất và mục đích mà người hát Tâm Pớt thể hiện nội dung phù hợp.

10 thg 9, 2019

Trống đất, nhạc cụ cổ xưa độc đáo

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, cùng với trống đồng Đồng Sơn ở Bắc Bộ và đàn đá Tây Nguyên, trống đất có lẽ là một trong những nhạc cụ cổ xưa và độc đáo nhất. Nếu như trống đồng, trống bịt da có mặt sớm và còn được diễn tấu trong hiện tại thì trống đất chỉ còn được sử dụng hiếm hoi ở một số dân tộc như Mường, Sán Chay, Cor ở Việt Nam.

Nguồn gốc cổ xưa
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trống đất được coi là “thủy tổ” của các loại trống vì xuất hiện từ rất sớm, có thể trước cả trống đồng. Đó là sản phẩm được sáng tạo của những người lao động và được bồi đắp, bổ sung, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Nghi thức cầu mưa của người Cor ở Quảng Ngãi với trống đất. 

7 thg 9, 2019

Để tiếng cồng chiêng ở làng Kon Drei mãi âm vang

Cồng chiêng gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh và là linh hồn trong mọi hoạt động lễ hội từ bao đời nay của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung và dân tộc Ba Na nói riêng. Để âm vang tiếng cồng chiêng nối dài mãi trong các lễ hội của cộng đồng làng, trong các nghi lễ vòng đời của người Ba Na; suốt mấy năm qua, người Ba Na ở làng Kon Drei (xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) đã bảo ban, truyền dạy cho nhau nghệ thuật cồng chiêng nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc nơi đây.

Làng Kon Drei nép mình bên dòng Đăk Bla hiền hòa. Giữa làng, nhà rông được làm theo đúng nguyên mẫu truyền thống của dân tộc Ba Na với mái tranh cao vút, sừng sững như một lưỡi rìu vươn lên trời. Chống đỡ cho nhà rông trước những khắt nghiệt, giông bão là những hàng cột gỗ cao to, vách thưng bằng lồ ô… Nhà rông này được dân làng phục dựng đầu năm 2018. Và, mấy năm nay, khoảng sân rộng rãi trước nhà rông luôn rộn ràng tiếng trống, tiếng cồng chiêng và nối vòng xoang vào những tối thứ bảy, chủ nhật trong những tháng hè hay những dịp làng có lễ hội và tổ chức các sự kiện trọng đại.

25 thg 8, 2019

Mượt mà câu hát ống

“Em đố chàng: Hoa gì sớm nở tối tàn/ Trắng, hồng, đỏ thẫm, tím than trong ngày?/ Hoa gì trắng đỏ cùng cây?/ Hoa gì đêm nở, ban ngày cấm cung?/ Phù dung sớm nở tối tàn/ Năm màu thay đổi chan chan trong ngày/ Hoa giấy trắng đỏ cùng cây/ Hoa quỳnh đêm nở, ban ngày cấm cung…”.
Lời điệu hát ống, hát ví ngọt ngào, da diết ấy đã được người dân thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đánh thức sau nhiều năm chìm trong quên lãng.

Vang từ ruộng lúa
Tưởng như hát ống, hát ví giờ chỉ còn trong ký ức của nhiều người, bởi loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo này đã chính thức vắng bóng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Vậy mà giờ đây, những điệu hát dân dã, ngọt ngào ấy đã “sống” lại nhờ sự tâm huyết của người dân thôn Hậu. Với tôi, lần đầu tiên được thưởng hát ống, hát ví quả thật lạ lẫm và cuốn hút. Chỉ qua những nhạc cụ thô sơ là ống tre ngà, sợi tơ mỏng manh đã tạo nên một “đặc sản” tinh thần hiếm nơi nào có được. Theo những cụ cao niên trong thôn, hình thức nghệ thuật này thường được hát trong các buổi đi cấy, đi cày, làm cỏ, tát nước… những người nông dân Liên Chung lại hát đối đáp, giao duyên để bớt đi những mệt nhọc ngày mùa. Chính vì thế, người Liên Chung gọi hình thức hát này với những cái tên mộc mạc hơn, gần gũi hơn: hát cày, hát cấy, hát vơ cỏ…

Chiếc ống được xem như là một cái loa để nghe và cũng là Micro để hát. 

30 thg 6, 2019

Trầm bổng tiếng kèn Pí Lè của ngườI Dao trên đỉnh Mẫu Sơn

Trên đỉnh mây mù Mẫu Sơn, nơi có độ cao 1.500m so với mực nước biển, âm thanh trầm bổng từ tiếng kèn Pí Lè đã gắn liền với đời sống tâm linh, tinh thần của người Dao Lù Gang từ bao đời nay.

Kèn Pí Lè thường được người Dao sử dụng vào những dịp lễ hội truyền thống, lễ cúng thần lúa, thần rừng, cưới hỏi, lễ tết… Đó là lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, lời tâm sự của những đôi trai gái tìm duyên, lời của con cái với cha mẹ…

Các loại nhạc cụ của người Dao như chiêng, trống, kèn Pí Lè đều bắt nguồn từ cuộc sống dân dã gắn liền với thiên nhiên, núi rừng. Tại vùng núi Mẫu Sơn, âm thanh trầm bổng từ tiếng kèn Pí Lè đã gắn liền với đời sống tinh thần của người Dao Lù Gang từ bao đời nay. 

Kèn được thiết kế gồm có 3 phần và thường được thổi theo nhiều giai điệu khác nhau. 

20 thg 5, 2019

Khèn - biểu tượng văn hóa của người Mông

Vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, khèn của người Mông cũng vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời.

Từ trong truyền thuyết
Trong truyền thuyết truyền miệng của người Mông, nguồn gốc chiếc khèn được kể về một gia đình có 6 người con, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Tiếng sáo của 6 anh em lại rời rạc khi không khi thổi cùng nhau. Khi cùng nhau thổi, tiếng sáo cất như vi vút như cây rừng gặp gió, véo von như chim trên cành và rì rào như suối reo, ào ạt như thác đổ. Đến khi họ đều có gia đình, những lúc không hợp đủ cả 6 người, tiếng sáo trở nên rời rạc, lạc điệu. Họ đã bàn nhau chế tác ra thứ nhạc cụ hợp nhất nhiều thứ. Người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai nghĩ ra ống thổi dài, 4 người còn lại nghĩ ra những ống thổi tiếp theo. Tất cả là 6 ống, thay cho 6 anh em. Lạ thay, thứ nhạc cụ lạ lùng ấy khi hoàn thiện, thổi lên tạo ra nhiều tầng âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ… Đó là chiếc khèn Mông ngày nay.

Diễn tấu khèn Mông. 

21 thg 4, 2019

Tiếng lòng người bản Phẻo

Từ bao đời nay, hát Then là tiếng lòng của người Tày, ẩn chứa những giá trị văn hóa lịch sử dân tộc được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, đồng bào dân tộc Tày ở bản Phẻo xã Xuân Giao huyện Bảo Thắng (Lào Cai) luôn có ý thức gìn giữ những điệu hát Then cổ truyền như một báu vật. 

Chúng tôi gặp nghệ nhân hát Then Tày Nông Văn Sin tại lễ hội Lồng Tồng vào những ngày đầu Xuân. Ở tuổi ngoài 50, thày Then Nông Văn Sin vẫn nhanh nhẹn, linh hoạt trong từng ngón đàn lúc trầm, lúc bổng dẫn dắt đội Then bản Phẻo nhịp nhàng trong từng điệu múa.

Thày Nông Văn Sin cho biết, hát Then gắn bó với ông từ thuở lọt lòng rồi “ngấm” từ lúc nào cũng không hay. Hơn 30 năm nay, ông cùng với cây đàn tính phiêu du khắp miền sơn cước Tây Bắc đến những hội Xuân của người Tày, đến các gia đình làm nghi lễ cổ truyền, lễ cấp sắc Then… Ông bảo, người Tày yêu Then lắm vì Then là ông Trời mang lại những điều an lành, tốt đẹp cho người Tày. Khi âm thanh dặt dìu của đàn tính cất lên hòa cùng những điệu múa Then cổ thì không ai muốn về nữa.

Nghệ nhân Nông Văn Sin hơn 30 năm gắn bó với cây đàn tính và là một trong số ít các nghệ nhân ở Lào Cai am hiểu các làn điệu Then cổ của người Tày.

2 thg 3, 2019

Độc đáo sáo mũi Khơ Mú

Chị Quàng Thị Dua, (bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, Mường Chà, Điện Biên) là một trong số ít nghệ nhân diễn tấu và chế tác được sáo mũi của người Khơ Mú. Không chỉ lưu giữ một di sản văn hóa quý báu của người Khơ Mú đang bị thất truyền, chị còn tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ. 

Nắm giữ di sản âm nhạc dân gian quý báu


Người Khơ Mú vốn gắn liền tập quán canh tác nương rẫy và cuộc sống sinh hoạt với thiên nhiên, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vì thế mang đậm dấu ấn của núi rừng. Nhạc cụ truyền thống của đồng bào hầu hết được làm bằng tre, nứa và đều có nguồn gốc từ những vật dụng quen thuộc để sản xuất, sinh hoạt. Phụ nữ Khơ Mú không những chăm chỉ, tháo vát mà còn có khả năng đặc biệt trong thẩm âm, cảm thụ âm nhạc cũng như khéo léo chế tác và diễn tấu nhạc cụ tre nứa. Hầu hết phụ nữ ở bản Púng Giắt 1 đều biết sử dụng thành thạo các nhạc cụ tre, nứa như đao đao, tăng bu hoặc sáo và gìn giữ được làn điệu Tơm trong sinh hoạt văn hóa. Những di sản văn hóa dân gian đơn sơ, mộc mạc như chính cuộc sống của đồng bào, được đồng bào lưu truyền qua bao thế hệ. 

Chị Quàng Thị Dua diễn tấu sáo mũi . 

8 thg 1, 2019

Trầm bổng tiếng đàn suối

Bloong, bloong, blinh, blinh... những thanh âm kỳ diệu vang lên từ sân sau Bảo tàng tỉnh lan xa theo triền sông Đăk Bla, khi bổng khi trầm, quấn quýt, dồn đuổi nhau như suối ngàn... Tôi đọc được sự bất ngờ và thích thú trên gương mặt của những du khách Hàn Quốc.

1.
Ấy là tôi đang được thưởng thức "món lạ" đàn t'rưng nước, hay còn gọi là đàn suối, ting gling ở Bảo tàng tỉnh, nhân dịp tổ chức Tuần Văn hóa – du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4/2018.

Nếu như không có Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Văn Quang giới thiệu, hẳn rằng tôi sẽ không bao giờ tin, thanh âm làm tôi ngây ngất kia lại xuất phát từ những ống lồ ô khô sắp đặt xiêu xiêu bên con suối nhân tạo róc rách chảy.

25 thg 11, 2018

Đàn đá, “báu vật” 3.000 tuổi của VN

Đàn đá không chỉ là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam mà còn là một trong những loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Cùng ngắm nhìn bộ sưu tập đàn đá cổ lớn nhất Việt Nam ở Đà Lạt.

Bảo tàng Lâm Đồng (thành phố Đà Lạt) là nơi đang lưu giữ một bộ sưu tập đàn đá cổ được đánh giá là "báu vật" nhạc cụ có quy mô lớn nhất Việt Nam

13 thg 11, 2018

Vinh-vút: nhạc cụ giữ hồn tre nứa của người H’rê

Nhạc cụ truyền thống của người H’rê rất phong phú và đa dạng, có đàn brook, ống tiêu talía, đàn môi pơpel, nhị rađang, "chiêng tre", ching kala, chiêng, đàn vroat, nhưng độc đáo nhất phải kể đến ống vinh-vút, loại nhạc cụ truyền thống dành riêng cho phụ nữ H’rê.

Âm vang từ núi rừng
Là một nhạc cụ đơn giản nhưng với âm thanh trầm bổng, vinh-vút trở thành nhạc cụ đặc trưng thể hiện được tài nghệ khéo léo và tâm hồn nghệ sĩ của người phụ nữ dân tộc H’rê.

Cây đàn Vinh-vút của người H’rê ở huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) được làm từ lồ ô. Người H’rê chọn cây lồ ô làm ống vinh-vút vì loại cây này có đốt dài và mỏng, lúc vỗ sẽ phát ra âm thanh rất to, vang. Lồ ô được chọn làm vinh-vút là những cây đã già, thẳng, dài. Cây còn tươi, người ta cắt bỏ phần mắt, chọn những ống bằng nhau để làm thành một cặp. Cây đàn vinh-vút gồm có hai ống, một ống dài khoảng 1,2 m và một ống dài khoảng 1 m. Chiều dài hay ngắn, to hay nhỏ của cây đàn tuỳ theo ống lồ ô. 

Những ống vinh-vút được làm từ lồ ô. 

15 thg 10, 2018

Tuồng cổ Dá hai cần được đầu tư để bảo tồn

Đồng bào dân tộc Nùng ở các huyện Trùng Khánh, Hòa An (Cao Bằng) có một di sản văn hóa phi vật thể rất đặc sắc, đó là loại hình nghệ thuật tuồng Dá hai, được phát triển từ nghệ thuật diễn trò rối dây có thời xa xưa. Tuy nhiên hiện nay, loại hình nghệ thuật này chưa được phổ biến rộng rãi như hát then của người Tày- Nùng nên chưa vẫn chưa có nhiều người biết đến.

Dá hai - loại ca kịch mang nhiều màu sắc 


Dá hai là loại ca kịch mang tính tổng hợp, đặc sắc, gần gũi với nhân dân bằng sự hòa trộn giữa lời ca, tiếng nhạc, điệu múa vô cùng phong phú và hấp dẫn.

Theo nhà phê bình lý luận về sân khấu Tuấn Giang, Viện Sân khấu-Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội thì loại hình sân khấu tuồng Dá hai của người Nùng ở các huyện Trùng Khánh, Hòa An (Cao Bằng) bắt nguồn từ trò múa rối Mộc thầu hý (múa rối que) của người Choang di cư vào nước Đại Việt thế kỷ XVIII, khoảng năm 1730. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Mộc thầu hí là nghệ thuật múa rối que, rối dây, rối tay, do các nghệ nhân dân gian diễn mua vui tại hội làng, phố chợ để bán đồ chơi, con rối, thuốc lá rừng. Những con rối dây diễn trò ngoài chợ thường chỉ to bằng ngón tay cái, được nghệ nhân điều khiển bằng hệ thống dây để diễn trò đánh kiếm, đao, kích, múa gậy… 

Những con rối được hóa thân nhân các nhân vật huyền thoại trong các vở diễn Mộc thầu hý (diễn rối dây). 

Ngọt ngào khúc hát ru của đồng bào Tà Ôi

Với đồng bào Tà Ôi, những khúc hát ru không chỉ phong phú về nội dung, chan chứa sắc thái biểu cảm mà còn đa dạng về hình thức, thể hiện một cách chân thành tình cảm của đồng bào Tà Ôi.

Tiếng hát ru không thể thiếu được trên cánh võng, bên vành nôi đong đưa, trên đôi tay trìu mến của mẹ. Mỗi dân tộc có một làn điệu hát ru của riêng mình. Nhưng dù thuộc dân tộc nào, con người đều lớn lên trong tiếng hát ru dịu ngọt của mẹ hiền.

Khúc hát ru từ tay mẹ


Những lời ru của người Tà Ôi thường theo lối ứng tác thường là những khúc ca ngắn nhưng thể hiện sinh động công việc của đồng bào từ xa xưa như: làm nương rẫy, săn bắn, se sợi kéo chỉ, dệt zèng... Hình ảnh con người trong bài hát là con người lao động và bài hát ru cũng là khúc hát ngợi ca tinh thần lao động.

9 thg 9, 2018

Bộ đôi nhạc cụ cực lạ của cung đình nhà Nguyễn

Sau thành công bước đầu của việc phục chế, biên chung và biên khánh tiếp tục được hoàn thiện và biểu diễn trong dàn nhạc ở các dịp lễ hội lớn tái hiện lại các hoạt động của thời nhà Nguyễn như lễ tế đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao…

Được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, biên chung và biên khánh là hai nhạc cụ hết sức độc đáo từng được sử dung trong cung đình nhà Nguyễn xưa

20 thg 6, 2018

Xem người Khơ mú chế tác pí tơm

Nói đến nhạc cụ của đồng bào dân tộc Khơ mú không thể không nhắc tới pí tơm. Đây là một loại nhạc cụ khá độc đáo, được chế tác từ 1 cây nứa nhỏ. 

Anh Moong Văn Cương (SN 1965), trú tại bản Na Bè, xã Xá Lượng (Tương Dương) cho biết: Để có được một chiếc pí ưng ý thì việc chọn nứa là một trong những yếu tố rất quan trọng. Phải chọn những cây nứa già, có thớ nứa mỏng, nếu chọn nứa non khó làm và không để được lâu, còn thớ nứa dày thì âm thanh phát ra sẽ không hay. Ảnh: Đình Tuân 

3 thg 6, 2018

Độc đáo làn điệu dân ca Ca Dong

Ẩn sau những ngọn núi cao trong không gian bao la của đại ngàn, những làn điệu dân ca của người Ca Dong thường gợi lên những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với lối sống, cách nghĩ của họ, tạo nên giá trị văn hóa truyền thống bền vững, đóng vai trò củng cố mối quan hệ gia đình, dòng họ, bản làng, duy trì trật tự kỷ cương trong cộng đồng Ca Dong với nhau, tạo nên một tổng thể thống nhất.

Nét đẹp của các làn điệu dân ca Ca Dong


Trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Ca Dong, những làn điệu dân ca truyền thống luôn mang đậm chất trữ tình, vừa sáng tạo, vừa thể hiện tình cảm ngọt ngào, sâu lắng, rất được họ ưa thích. Những làn điệu dân ca: Ra nghế, ca lêu, plét, a hội, dê ôdê, đến làn điệu k’cheo truyền thống ra đời từ trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt đời sống thường ngày không phải là ngoại lệ, thể hiện tâm tư tình cảm của người Ca Dong cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để dân làng no cái bụng, sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, núi rừng. Đây còn là một trong những sản phẩm văn hóa độc đáo, được người Ca Dong gìn giữ và phát huy. Hát khi lên rẫy, hát trong những ngày lễ hội ăn trâu, Tết, cưới xin, hội tụ gia đình, vui chơi, giải trí, hát khi ru em bé ngủ, trai gái Ca Dong hát tỏ tình với nhau trong những cánh rừng già nguyên sinh.

Già làng Hồ Văn Dinh dân tộc Ca Dong thể hiện làn điệu dân ca k’cheo truyền thống qua tiếng chiêng của mình. 

18 thg 4, 2018

Người giữ hồn nhạc cụ tre truyền thống Ê Đê

Nghệ nhân Ama H’Loan (hay Y Bông Niê), buôn Ako Dhong, phường Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được nhiều người biết đến nhờ tài chế tác nhạc cụ truyền thống, dân gian của dân tộc Ê Đê. 

Tư chất của nghệ sỹ bẩm sinh


Ông vốn sinh ra và lớn lên ở buôn làng người Ê Đê thuộc xã Cư Pơng, một xã thuộc vùng sâu của huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Tuy nghèo nhưng bà con nơi đây lại có đời sống văn hóa, tinh thần vô cùng phong phú, đậm bản sắc dân tộc. Trong ký ức của ông, những lễ hội truyền thống ở buôn làng khi dựng nhà rông, khi mừng lúa mới hay lễ trưởng thành, lễ bỏ mả, những đêm dài nghe kể khan mà nhạc cụ truyền thống không thể vắng mặt đã thấm vào ông từ khi còn bé. 

Nghệ nhân Ama H’Loan diễn tấu đing năm do chính mình chế tác với nguyên liệu bằng gỗ. Ảnh: Thanh Hà 

11 thg 4, 2018

Nhịp trống Cơ tu

Trống vừa là nhạc cụ, vừa là tín hiệu thông báo những hoạt động lễ hội, sinh hoạt trong buôn làng. Ở những ngôi nhà làng truyền thống luôn có những chiếc trống lớn nhỏ đặt trên giá, khi cần thì đồng bào mang ra dùng.

Người Cơ-tu có 3 loại trống khác nhau, trống lớn gọi là k’thu, cha gơr bơh, trống trung là pâr lư, trống nhỏ char gơr katươi. Mặt trống làm từ da sơn dương, da mang, vì các loại da này rất mỏng, tiếng trống mới vang. Da trâu, da bò ít khi dùng vì quá dày, trống không kêu.

Dây mây già, dài đến 20-30m, người ta chọn ra đoạn tốt nhất để làm dây kéo căng mặt trống. Tang trống làm bằng những loại gỗ tốt. Trống lớn khi đánh âm vang vọng, trống nhỏ làm nhịp điệu, phụ hoạ. Trống thường dùng để đánh hoà âm với chiêng làm nhịp điệu trong các vũ điệu tập thể.

Say sưa trong điệu trống. 

29 thg 3, 2018

Độc đáo những nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa

Trong cuộc sống lao động sản xuất, người vùng cao gắn bó, nương tựa vào tự nhiên, vì thế văn hóa cũng mang đậm màu sắc của tự nhiên. Từ đó, cây tre, cây nứa đã được các cộng đồng dân tộc sáng tạo ra các nhạc cụ độc đáo. 

Xi xo: 

Xi xo được sử dụng đệm cho các bài dân ca Thái như lăm, xuối nhuôn... Ảnh: Đình Tuân 

Là nhạc cụ dây kéo, được làm từ ống nứa có chiều dài 45-50cm. Trước đây, nhạc cụ có hai dây làm bằng tơ tằm, nhưng ngày nay ngoài việc sử dụng dây bằng kim loại sắt, cung kéo làm từ một thanh tre mỏng có chiều dài khoảng 45cm, rộng khoảng 1cm; dây cung thường được làm từ những sợi cước nhỏ, nhưng phổ biến nhất là làm bằng dây nứa. Nứa được dùng để làm loại nhạc cụ này phải là loại nứa già và không bị mối mọt. Thường chọn nứa vào khoảng tháng 2 tháng 3, thời điểm này nứa sẽ không mọt, còn tháng 7, 8 nứa tốt nhưng bị mọt. Nhạc cụ này ngoài dùng để độc tấu còn có thể sử dụng hòa tấu hoặc đệm cho hát dân ca trong sinh hoạt thường ngày.